Gắn bó, đồng hành cùng dân tộc
Sáng 7.6, Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam tỉnh tổ chức Ðại hội đại biểu những người Công giáo Bình Ðịnh xây dựng và bảo vệ Tổ quốc lần thứ VI (nhiệm kỳ 2018 - 2023). 5 năm qua, đồng bào Công giáo trong tỉnh đã tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương, sống tốt đời, đẹp đạo, góp phần cùng nhân dân trong tỉnh thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển KT-XH, đảm bảo quốc phòng và an ninh.
Hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện chương trình phối hợp giữa Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Sở TN&MT và các tôn giáo về “Bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu”, giai đoạn 2015 - 2020. Ảnh: ANH PHƯƠNG
Tốt đời, đẹp đạo
Giáo xứ Quy Hiệp, TP Quy Nhơn, là một điển hình trong làm tốt công tác hòa giải, góp phần xây dựng “Giáo xứ an toàn - đoàn kết, sống tốt đời, đẹp đạo”. Ông Nguyễn Thượng, Chủ tịch Hội đồng Giáo xứ Quy Hiệp, chia sẻ: “Thông qua các hình thức sinh hoạt tôn giáo, tôi thường xuyên gần gũi, tuyên truyền, vận động đồng bào trong giáo xứ thực hiện đoàn kết lương - giáo, đẩy mạnh lao động, sản xuất, chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương”.
Với Họ đạo Hòa Cư, phường Nhơn Hưng, TX An Nhơn, để góp phần hướng đến mục tiêu chung “tốt đời, đẹp đạo”, từ 2004, họ đạo đã xây dựng mô hình “Họ đạo không tội phạm và tệ nạn xã hội”, tạo chuyển biến tích cực về nhận thức và trách nhiệm của bà con giáo dân đối với việc giữ gìn ANTT ở địa phương. Mô hình đã phát huy tính tự quản của mỗi người, mỗi gia đình, nhờ đó, từ năm 2013 đến nay, các mâu thuẫn trong giáo dân đã được giải quyết kịp thời, thấu tình đạt lý, không có trường hợp nào vi phạm đến mức chính quyền phải xử lý. Mô hình ở Họ đạo Hòa Cư hiện đã được nhân rộng đến nhiều giáo xứ, giáo họ trong tỉnh, như: Kim Châu, Phò An, Đập Đá, Trung Ái (An Nhơn), Quy Hiệp (Quy Nhơn), Nho Lâm, Diêm Điền (Tuy Phước), Cây Rỏi, Xóm Mới (Phù Cát), An Mỹ (Phù Mỹ), Đại Bình, Thác Đá Thượng (Hoài Nhơn), Gia Chiểu (Hoài Ân)...
Trăn trở với những khó khăn của các gia đình bệnh nhân phong và bà con giáo dân ở KV 2, phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn, từ năm 1999, các nữ tu Cộng đoàn Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ Quy Hòa đã thực hiện chương trình “Đoàn kết tương trợ giúp vốn sản xuất”, coi đây như “chiếc cần câu” để những bệnh nhân với chút sức lực còn lại, cố gắng cải thiện kinh tế gia đình và sống có ích. Cộng đoàn hiện đang duy trì 15 nhóm đoàn kết tương trợ vốn với số tiền khoảng 600 triệu đồng, tạo điều kiện cho 186 gia đình còn khó khăn ở địa phương có thêm vốn làm ăn, buôn bán nhỏ và chăn nuôi.
Còn Cộng đoàn các nữ tu Dòng thánh Phaolô Quy Nhơn thì tích cực tổ chức các hoạt động từ thiện, như mở 2 tủ thuốc tình thương phục vụ các hộ nghèo tại Cộng đoàn nữ tu Phaolô ở Phú Tài và Giáo xứ Hội Lộc; năm vừa qua đã phối hợp tổ chức khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho 500 người nghèo; tổ chức 10 khóa dạy cắt may miễn phí cho 150 nữ thanh niên là người dân tộc thiểu số, giúp các em có việc làm ổn định khi trở về địa phương...
Linh mục Võ Tuấn, Ủy viên Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam tỉnh Bình Định, cho rằng, những đóng góp tích cực của Đức giám mục, các linh mục, nữ tu và đông đảo bà con giáo dân đã góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển KT-XH, quốc phòng và an ninh của tỉnh.
Đồng hành cùng dân tộc
5 năm qua, người Công giáo ở Bình Định luôn ý thức được trách nhiệm công dân và bổn phận của người Kitô hữu trên con đường gắn bó và đồng hành cùng dân tộc. Bà con đã tích cực tham gia phong trào thi đua “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, sống tốt đời đẹp đạo” do Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam phát động, gắn với các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước của Ủy ban MTTQ Việt Nam. Các giáo xứ, giáo họ và từng hộ gia đình giáo dân đều đăng ký tham gia các phong trào và đã có hơn 80% khu dân cư có đông đồng bào Công giáo sinh sống được công nhận là Khu dân cư văn hóa, hơn 90% gia đình giáo dân đạt danh hiệu Gia đình văn hóa; nhiều xã, phường có đông đồng bào Công giáo sinh sống đạt chuẩn nông thôn mới, văn minh đô thị.
Hưởng ứng cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát động, hàng năm bà con giáo dân trong tỉnh còn nhiệt tình đóng góp vào quỹ tại địa phương. Ban Bác ái của Giáo phận và các giáo xứ; các linh mục, nữ tu thường xuyên giúp đỡ những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, thăm viếng các cụ già neo đơn, người tàn tật, trẻ em mồ côi với số tiền trên 2 tỉ đồng và 30 tấn gạo; giúp xây được 25 căn nhà tình thương. Thực hiện chương trình ký kết giữa Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Sở TN&MT và các tôn giáo về “Bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu” giai đoạn 2015 - 2020, Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh đã xây dựng mô hình “Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu”, triển khai điểm ở giáo xứ Gò Thị và đang nhân rộng ra các giáo xứ, giáo họ trong toàn tỉnh. Qua mô hình này, đã từng bước nâng cao nhận thức, ý thức của giáo dân trong việc tham gia bảo vệ môi trường xanh - sạch - đẹp...
“5 năm qua, đời sống đồng bào Công giáo trong tỉnh ngày càng ổn định và phát triển, các sinh hoạt tôn giáo diễn ra bình thường trong khuôn khổ pháp luật. Nhiều tâm tư, nguyện vọng chính đáng của bà con giáo dân đã được các cấp chính quyền xem xét giải quyết. Nhà thờ ở các giáo xứ được sửa chữa, nâng cấp hoặc xây mới khang trang. Có thể nói rằng, chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng tôn giáo của Ðảng, Nhà nước đã đi vào cuộc sống, tạo niềm tin và thúc đẩy người Công giáo luôn chu toàn bổn phận người Kitô hữu, bổn phận công dân và nỗ lực đóng góp nhiều hơn nữa vào công cuộc xây dựng, phát triển đất nước”.
Linh mục VÕ TUẤN, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam tỉnh Bình Định
MINH QUANG