Tập trung phổ biến, giáo dục pháp luật ở địa bàn trọng điểm
Ðể tạo được chuyển biến tích cực ở các địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự, an toàn xã hội, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật phải được tập trung với tần suất cao và hình thức phù hợp.
Xét xử lưu động một vụ án ma túy tại thị trấn Bồng Sơn (huyện Hoài Nhơn) - địa bàn được chọn để thực hiện việc chuyển hóa về trật tự, an toàn xã hội.
Kết quả ban đầu
Thực hiện đề án “Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) tại một số địa bàn trọng điểm về vi phạm pháp luật giai đoạn 2013 - 2016”, Sở Tư pháp đã tham mưu, giúp UBND tỉnh thực hiện PBGDPL cho 6 địa phương cấp xã được chọn làm điểm: phường Ngô Mây, Ghềnh Ráng (TP Quy Nhơn), phường Nhơn Hòa, Bình Định (TX An Nhơn), xã Phước An, Phước Sơn (huyện Tuy Phước). Tại các địa phương này, Sở Tư pháp đã hướng dẫn và hỗ trợ kinh phí để thực hiện 18 cuộc PBGDPL.
“Các đơn vị, địa phương không chỉ tập trung tuyên truyền pháp luật về hình sự, dân sự, đất đai, bảo vệ môi trường, hôn nhân và gia đình... cho người dân mà còn cho lực lượng làm công tác PBGDPL cấp huyện, cấp xã, hòa giải viên ở cơ sở, thành viên nhóm nòng cốt vận động nhân dân chấp hành pháp luật tại địa bàn”, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng PBGDPL (Sở Tư pháp) Hồ Mỹ Ngọc Chân cho hay.
Bên cạnh đó, trong giai đoạn 2014 - 2016, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh đã thực hiện trợ giúp pháp lý 5.409 vụ việc cho người có yêu cầu được trợ giúp pháp lý. Các địa phương cũng tích cực vào cuộc. Phòng Tư pháp TX An Nhơn đã phối hợp với UBND phường Bình Định và phường Nhơn Hòa tổ chức 8 buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật với hơn 560 người tham dự. Phòng Tư pháp huyện Tuy Phước phối hợp với UBND các xã được chọn làm điểm tổ chức 5 đợt tuyên truyền pháp luật cho 450 lượt cán bộ quân dân chính thôn, hội đoàn viên và người dân; tổ chức 7 lớp giáo dục pháp luật cho 172 đối tượng là thanh thiếu niên chậm tiến, người vi phạm pháp luật, người lầm lỡ tại cộng đồng; tổ chức 6 hội thi với hơn 1.206 lượt cán bộ và nhân dân tham dự...
Trong khi đó, CA tỉnh cũng chọn 3 đơn vị cấp huyện và 14 đơn vị xã, phường, thị trấn trọng điểm về vi phạm pháp luật để tập trung chỉ đạo, thực hiện thí điểm làm giảm tỉ lệ tội phạm và vi phạm pháp luật.
Tiếp tục quan tâm
Theo Kế hoạch Chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh năm 2018, UBND tỉnh chọn 19 xã, phường, thị trấn để thực hiện việc chuyển hóa. Mục tiêu đặt ra là tại các địa bàn chuyển hóa không có dấu hiệu hoạt động của tội phạm có tổ chức hoạt động theo kiểu “xã hội đen”; tỉ lệ điều tra, khám phá các loại tội phạm đạt từ 80% trở lên. Đồng thời, giảm tỉ lệ tái phạm tội trong số người chấp hành xong án phạt tù và đặc xá về cư trú tại địa bàn xuống dưới 15%. Đáng chú ý, 100% hộ dân tại địa bàn được phổ biến, tuyên truyền về công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật.
Để đạt được các mục tiêu đó, các hoạt động chủ yếu là tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia đảm bảo ANTT tại địa bàn cơ sở; thực hiện có hiệu quả công tác phối hợp giữa các ngành, đoàn thể, địa phương về tuyên truyền vận động nhân dân tham gia phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội phù hợp với tình hình thực tế ở từng địa bàn.
Đặc biệt, phải phát huy tốt vai trò của các cơ quan truyền thông tại cơ sở về tuyên truyền phòng, chống tội phạm, nhất là phổ biến phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm; kỹ năng phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn tội phạm để nhân dân cảnh giác, chủ động phòng, chống và hỗ trợ các lực lượng chức năng đấu tranh, xử lý tội phạm và tệ nạn xã hội.
Về lâu dài, UBND tỉnh cũng đã ban hành Kế hoạch tiếp tục thực hiện Đề án “Tăng cường công tác PBGDPL tại một số địa bàn trọng điểm về vi phạm pháp luật giai đoạn 2012 - 2016” đến năm 2021 trên địa bàn tỉnh. Nội dung chính của kế hoạch là tổ chức các hoạt động PBGDPL trực tiếp thông qua các hội nghị tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, các cuộc họp tại thôn, khu phố, làng tại địa bàn trọng điểm; biên soạn tài liệu; tổ chức thi tìm hiểu pháp luật; PBGDPL trên hệ thống phát thanh, truyền hình của địa phương, loa truyền thanh cơ sở…
Các địa phương được chọn để thực hiện việc chuyển hóa về trật tự, an toàn xã hội năm 2018: phường Bùi Thị Xuân, Nhơn Bình, Ðống Ða, Thị Nại, Nguyễn Văn Cừ, Ghềnh Ráng, Ngô Mây (TP Quy Nhơn), phường Bình Ðịnh (TX An Nhơn), thị trấn Bồng Sơn, xã Hoài Hương (huyện Hoài Nhơn), thị trấn Phú Phong, xã Tây Giang (huyện Tây Sơn), thị trấn Tăng Bạt Hổ (huyện Hoài Ân), xã Vĩnh Sơn, Vĩnh Thịnh (huyện Vĩnh Thạnh), thị trấn An Lão, xã An Hòa (huyện An Lão), xã Mỹ Thắng, Mỹ An (huyện Phù Mỹ).
MAI LÂM