KỲ HỌP THỨ 5 QUỐC HỘI KHÓA XIV:
Ấn tượng từ các phiên chất vấn “hỏi ngắn, đáp gọn”
Quy định thời lượng 3/1 (hỏi nhanh 1 phút, đáp gọn 3 phút) lần đầu được áp dụng tại phiên chất vấn của kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV đã mang lại hiệu ứng tích cực, tạo ra không khí dân chủ, sôi nổi, thẳng thắn và trách nhiệm. Ðại biểu lẫn người được chất vấn đã được tạo điều kiện để đối thoại với nhau, đi vào trọng tâm để làm rõ vấn đề mà đại biểu và cử tri quan tâm.
Các phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV diễn ra từ ngày 4 - 6.6. Quốc hội đã chất vấn các nội dung liên quan đến 4 lĩnh vực: GTVT, TN&MT, LĐ-TB&XH, GD&ĐT với các nhóm vấn đề KT-XH lớn, quan trọng, được cử tri cả nước quan tâm.
“Xe quá tải trọng không chỉ đi qua Bình Định, tại sao QL 1 qua Quảng Ngãi, Phú Yên vẫn còn tốt?”.
ÐBQH LÝ TIẾT HẠNH
Dân chủ, sôi nổi, thẳng thắn
Cả 3 ngày chất vấn đều được truyền hình trực tiếp để người dân theo dõi. Có thể thấy, các phiên chất vấn diễn ra trong không khí dân chủ, sôi nổi, thẳng thắn và trách nhiệm. Nhờ rút ngắn thời lượng hỏi lẫn trả lời nên đã khắc phục đáng kể tình trạng câu hỏi lê thê, câu trả lời lòng vòng đã từng xuất hiện tại các kỳ họp trước. Bên cạnh đó, số lượt chất vấn và tranh luận cũng được nhiều hơn. Tại các phiên chất vấn, đã có tới hơn 250 lượt đại biểu (ĐB) chất vấn và tranh luận.
Khi người “ngồi ghế nóng” đang trả lời thì chuông nhắc thời gian vang lên, nhiều tấm bảng đăng ký tranh luận ở phía dưới cũng được giơ cao... Đáng chú ý, sáng 6.6, phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ bắt đầu hơn 1 giờ thì xảy ra “sự cố quá tải”. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thông báo: “Tổng cộng có 80 đại biểu đã đăng ký chất vấn và tranh luận nên hệ thống máy chịu không nổi, bị treo!”.
Theo Chủ tịch Quốc hội, việc đổi mới một bước cách thức chất vấn, hỏi ngắn, đáp gọn tại kỳ họp lần này đã có kết quả tích cực, được các ĐBQH và cử tri đồng tình, đánh giá cao. “ĐB đã thể hiện tâm huyết, tinh thần trách nhiệm nghiêm túc, cơ bản chất vấn ngắn gọn, rõ ràng, bám sát nhóm vấn đề và tích cực tranh luận để làm rõ thêm nội dung chất vấn. Nhưng cũng còn một số ĐB đặt nhiều câu hỏi hoặc hỏi nhiều nội dung trong câu chất vấn, chất vấn quá thời gian quy định, đăng ký tranh luận nhưng lại đặt câu hỏi”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá.
Ở chiều ngược lại, các thành viên của Chính phủ, Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng Viện KSND tối cao đã trả lời thẳng thắn và giải trình rõ nhiều vấn đề ĐB nêu thuộc phạm vi, trách nhiệm của mình và cam kết khắc phục những hạn chế, bất cập.
“QL 1 qua Bình Định hư hỏng do bão lũ nhiều, cùng tình trạng xe quá khổ, quá tải chưa được xử lý nghiêm”.
Bộ trưởng Bộ GTVT NGUYỄN VĂN THỂ
Chuẩn bị chu đáo để chất vấn hiệu quả
Giữa không khí chung đó, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định cũng có sự tham gia tích cực tại các phiên chất vấn. Qua 3 ngày chất vấn, tổng cộng Đoàn có 6 lượt chất vấn và tranh luận trực tiếp tại hội trường. Bên cạnh đó, các thành viên của Đoàn còn có 4 lượt chất vấn bằng văn bản đối với Bộ trưởng Bộ KH&ĐT, Bộ Công Thương, Bộ KH&CN về các vấn đề liên quan. Đáng chú ý, không chỉ tranh luận với các thành viên Chính phủ về vấn đề mình đặt ra, các ĐB còn tranh luận đối với chủ đề khác phát sinh tại hội trường để làm rõ quan điểm.
Theo Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lý Tiết Hạnh, việc chuẩn bị chu đáo là một trong những cơ sở quan trọng để Đoàn tham gia tích cực, hiệu quả tại các phiên chất vấn nói riêng, đóng góp ý kiến tại kỳ họp nói chung. Điển hình, đầu năm 2018, Đoàn ĐBQH tỉnh đã thực hiện khảo sát, đánh giá kết quả tình hình thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư, khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) trên địa bàn tỉnh. Qua đó, đánh giá xác thực tình hình để có căn cứ chất vấn tới cùng đối với Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể về trách nhiệm của các nhà thầu thi công cũng như trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ.
Bên cạnh đó, Đoàn cũng tổ chức tốt các hoạt động tiếp xúc cử tri, lắng nghe, tập hợp được các nhóm vấn đề quan trọng mà người dân quan tâm. ĐB Lê Công Nhường chia sẻ: “Chúng tôi luôn cố gắng hết mức có thể để chuyển tải ý kiến của cử tri đến Quốc hội. Trước kỳ họp lần này, vấn đề nóng nhất chính là QL 1 qua Bình Định xuống cấp trầm trọng mà người dân vẫn phải trả phí. Cử tri nói rằng, tại sao họ trả tiền lành mà lại phải đi trên đường rách nát như vậy?”.
Chất vấn hiệu quả là một chuyện, song quan trọng hơn là phải giám sát cho được các “lời hứa” tại nghị trường. “Chúng tôi sẽ tập trung nhiều hơn vào việc giám sát, nắm chắc tình hình giải quyết những vấn đề còn bất cập được đông đảo cử tri quan tâm. Khi các kiến nghị chính đáng được giải quyết rốt ráo, căn cơ thì ĐB mới hoàn thành nhiệm vụ, và nguyện vọng của cử tri cũng được thỏa mãn”, bà Lý Tiết Hạnh khẳng định.
NGUYỄN VĂN TRANG