Chung tay phát triển phong trào sinh vật cảnh Tuy Phước
Thời gian qua, Hội Sinh vật cảnh huyện Tuy Phước đã có những cách làm chủ động, sáng tạo để giữ vững phong trào, phát huy giá trị kinh tế của sinh vật cảnh, trở thành một trong những Hội Sinh vật cảnh thuộc nhóm dẫn đầu ở Bình Ðịnh.
Ông Lê Văn Minh chăm sóc cây cảnh tại nhà.
Triển lãm của Hội Sinh vật cảnh (SVC) huyện Tuy Phước được tổ chức thường xuyên hằng năm, gây được sự chú ý nhờ chất lượng cũng như quy mô. Và Tuy Phước cũng là huyện tổ chức được nhiều nhất các cuộc triển lãm SVC cấp chi hội, và đều là các cuộc triển lãm có uy tín cao.
Ông Từ Hải, Chủ tịch Hội SVC Tuy Phước, cho biết: “Từ lâu, Tuy Phước đã có phong trào SVC phát triển mạnh. Chúng tôi thường tổ chức triển lãm và tham gia triển lãm ở những nơi khác nhằm trao đổi kinh nghiệm, góp phần xây dựng, gìn giữ phong trào SVC của cả tỉnh. Các chi hội ở thị trấn Tuy Phước, thị trấn Diêu Trì, các xã: Phước Lộc, Phước Hiệp, Phước Nghĩa... lần lượt đều xây dựng và phát triển tốt phong trào SVC, tổ chức được nhiều triển lãm, gây được sự chú ý không chỉ trong tỉnh mà còn lan rộng đến nhiều tỉnh bạn. Dù là chi hội cấp xã tổ chức nhưng quy mô và chất lượng đều ngang tầm cấp huyện. Điều này giúp anh em làm quen với công tác tổ chức, giữ “lửa” phong trào đến cấp cơ sở”.
Năm 2017, Chi hội SVC thị trấn Tuy Phước tổ chức triển lãm SVC, tạo được ấn tượng cho các đội tham gia cũng như người đến xem. Triển lãm trưng bày khoảng 3.000 tác phẩm bonsai, đến từ các hội, chi hội, không chỉ trong huyện, trong tỉnh mà còn ngoài tỉnh. Ông Lê Văn Minh, Chi hội trưởng Chi hội SVC thị trấn Tuy Phước chia sẻ: “Nhờ tinh thần đóng góp của anh em trong Chi hội nên khi Chi hội đứng ra tổ chức triển lãm cũng không gặp nhiều khó khăn. Đây cũng là cơ hội chúng tôi củng cố sự đoàn kết, tinh thần học hỏi, nhờ đó triển lãm đã thành công hơn mong đợi”.
Để đáp ứng thị hiếu và nhu cầu thẩm mỹ của công chúng ngày càng cao, các nghệ nhân cây cảnh đã không ngừng đầu tư, nghiên cứu để tự nâng mình lên. Ông Ngô Văn Nhật, nghệ nhân bonsai ở Phước Hiệp, Tuy Phước cho biết: “Sống nhờ cây, đam mê và hết lòng vì SVC, và giờ cây cảnh trở thành chỗ dựa kinh tế cho gia đình tôi. Hơn nữa, tham gia vào Hội SVC, chúng tôi cũng được giao lưu, học hỏi, góp ý kiến cho nhau để cùng phát triển”.
“Bên cạnh nét đẹp nghệ thuật của từng tác phẩm cây cảnh, việc chơi SVC góp phần xây dựng văn hóa nông thôn mới và SVC cũng là một mặt trận kinh tế - kinh tế xanh. Như vậy, nghệ thuật, văn hóa, kinh tế đan xen hỗ trợ lẫn nhau tạo thành thú vui bền vững nhiều lợi ích”, ông Từ Hải nhìn nhận.
Hội SVC Tuy Phước thành lập năm 1998, hiện có 620 hội viên, nghệ nhân. Trong đó, có 67 nghệ nhân cấp tỉnh, 22 nghệ nhân cấp quốc gia.
THẢO KHUY