Góp ý về dự án Luật CAND sửa đổi và Luật Chăn nuôi:
Đại biểu đề nghị làm rõ khái niệm, cụ thể hóa quy định
* Chiều ngày 7.6, Quốc hội thảo luận ở tổ về 2 dự án Luật CAND sửa đổi và Luật Chăn nuôi.
* Làm rõ các khái niệm trong dự thảo Luật CAND sửa đổi.
Theo Tờ trình của Chính phủ, dự thảo Luật CAND sửa đổi gồm 7 chương, 48 điều. So với Luật CAND năm 2014, dự thảo Luật đã bổ sung 4 điều, sửa đổi, bổ sung 31 điều, bỏ 1 điều.
ĐBQH tỉnh Lê Kim Toàn
Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Kim Toàn cho rằng khái niệm sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ (được quy định tại khoản 3 Điều 2) và sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật (khoản 4 Điều 2) không rõ nghĩa, đề nghị Ban soạn thảo giải thích cụ thể hơn. “Bởi, sĩ quan nghiệp vụ được phong bậc hàm cao nhất là đại tướng, trong khi đó sĩ quan chuyên môn kỹ thuật chỉ lên đến cấp tá”, điều này sẽ dẫn đến mâu thuẫn ngay nội tại của ngành”, ĐB Lê Kim Toàn phân tích.
Dự thảo bổ sung quy định: “Chính phủ quy định... cục đặc biệt thuộc Bộ Công an” (khoản 1 Điều 19), nhưng theo ĐB Lê Kim Toàn, “cục đặc biệt” là một khái niệm mới cần đưa vào giải thích từ ngữ (Điều 3 dự thảo luật) để làm rõ nghĩa hơn.
Thống nhất cao với quy định Công an xã là lực lượng chuyên trách (bỏ khoản 3 Điều 16 Luật CAND năm 2014 quy định công an xã là lực lượng bán chuyên trách), Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lê Kim Toàn cho rằng lực lượng này cần được chính quy hóa, đồng thời ông cũng phân tích thêm những thuận lợi, khó khăn về mối quan hệ giữa Trưởng Công an xã với cấp ủy, chính quyền địa phương, về trụ sở, tổ chức bộ máy để chia sẻ với một số ý kiến còn băn khoăn vì e ngại vấn đề này sẽ làm tăng kinh phí một khi công an xã trở thành lực lượng chính quy.
Về thẩm quyền quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức trong CAND (Điều 19), đề nghị giao Chính phủ ban hành Nghị định quy định các đơn vị của Bộ, Thủ tướng Chính phủ ủy quyền Bộ trưởng Bộ Công an quy định chi tiết chức năng, nhiệm vụ của Công an xã.
Về cấp bậc hàm, “trong hệ thống phải có sự liên thông để điều động bố trí cán bộ thuận tiện, thống nhất trong chỉ huy khi có sự phối hợp”, Trưởng Đoàn ĐBQH Lê Kim Toàn phân tích. Minh họa thêm cho vấn đề này, ông dẫn chứng trường hợp cụ thể: nhiệm kỳ trước đã có trường hợp Bí thư Tỉnh ủy và ngay cả giám đốc sở cũng được điều động về làm Thứ trưởng là không phù hợp, đề nghị Ban Soạn thảo xem xét, quy định bổ sung để có sự liên thông hơn giữa cấp bậc hàm Giám đốc Công an cấp tỉnh với Cục trưởng Cục đặc biệt và các Cục khác của Bộ Công an và giữa các Trưởng phòng của Công an cấp tỉnh với Trưởng Công an huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
Đối với quy định về công nghiệp an ninh, ĐB đề nghị nghiên cứu lại tên gọi, nội hàm sao cho phù hợp vì theo quy định của Hiến pháp “công nghiệp quốc phòng, an ninh” là thống nhất, không tách riêng công nghiệp quốc phòng và công nghiệp an ninh và không chồng lấn với các nội dung liên quan của dự thảo Luật Quốc phòng.
Ngoài các nội dung trên, các ĐBQH đơn vị tỉnh còn đề nghị nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cấp bậc hàm cao nhất đối với sĩ quan biệt phái về Quốc hội làm Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội; về cấp bậc hàm đối với Chánh Văn phòng Bộ Công an...
Cần cụ thể hóa các quy định trong dự thảo Luật Chăn nuôi
Về dự thảo Luật Chăn nuôi, Trưởng đoàn ĐBQH Lê Kim Toàn cho rằng dự thảo luật đề cập quá nhiều đến nội dung quản lý nhà nước, trong khi đó một số quy định cần thiết cần cụ thể hóa lại chưa rõ như việc giải thích khái niệm cơ sở chăn nuôi (khoản 6 Điều 3) nhằm mục đích thương mại là chưa phù hợp. Theo ông, dù chăn nuôi có hay không có mục đích thương mại thì hoạt động chăn nuôi vẫn diễn ra và Luật phải điều chỉnh.
Về cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi (Điều 42) giao cho Sở NN&PTNT cấp giấy chứng nhận cho các cơ sở chăn nuôi khác, trừ nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, nếu theo quy định tại Điều 38 về điều kiện cơ sở chăn nuôi gồm chăn nuôi nông hộ, cơ sở, sản xuất, kinh doanh giống vật nuôi... là không khả thi và không đủ lực lượng để thực thi luật và chưa phù hợp với tập quán sản xuất nhỏ lẻ của hộ chăn nuôi gia đình.
Về quản lý môi trường, chất thải trong chăn nuôi, đề nghị bổ sung xử lý mùi hôi trong chăn nuôi, nhất là đối với hộ chăn nuôi gia đình nhỏ lẻ, vì trong thực tế vấn đề này dễ xảy tình trạng khiếu nại về ô nhiễm môi trường không khí giữa các hộ dân.
Trong khi đó, ĐB Huỳnh Cao Nhất đề nghị quy định chi tiết, cụ thể hơn đối với hành vi bị nghiêm cấm quy định tại khoản 1 Điều 7, nhất là việc nuôi chim yến hiện nay diễn ra khá phổ biến trong nội thành gây tiếng ồn và nhất là dịch bệnh. Về điều kiện chăn nuôi, kinh doanh các loại động vật bán hoang dã, theo ĐB Huỳnh Cao Nhất quy định tại điểm đ, khoản 1 Điều 55 tổ chức, cá nhân phải báo cáo, cung cấp giấy tờ chứng minh thành viên trong cùng gia đình chưa có hành vi vi phạm hình sự trong lĩnh vực chăn nuôi, thú y hay bảo vệ động vật hoang dã là không khả thi, do đó đề nghị bỏ quy định này hoặc quy định lại sao cho phù hợp hơn với thực tế...
Tương tự, có hướng dẫn việc xử lý trong trường hợp buộc phải tạm dừng việc gây nuôi, kinh doanh động vật bán hoang dã quy định tại khoản 3 Điều 55 dự thảo Luật...
ĐB Lê Công Nhường kiến nghị bổ sung luật cần quy định bao quát đối với hoạt động chăn nuôi trong nghiên cứu khoa học như nuôi rắn lấy huyết thanh, nuôi đỉa lấy chất chống đông máu...
SỸ NGUYÊN