Dị tật đường tiết niệu ở trẻ em: Cần được can thiệp sớm
Trong hai ngày 7 và 8.6, tại BVÐK tỉnh, các chuyên gia, bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 và Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP Hồ Chí Minh) đã phẫu thuật cho hơn 20 trẻ bị dị tật bẩm sinh đường tiết niệu và tiêu hóa. Theo các chuyên gia, nếu phát hiện trẻ bị dị tật đường tiết niệu, cần sớm có hướng điều trị để tránh tác động xấu về tâm lý cũng như cải thiện chất lượng sống cho các em.
Nên mổ trước khi trẻ đi học
Trong số 14 em được xếp lịch phẫu thuật trong ngày đầu tiên, có nhiều kiểu dị tật khác nhau ở đường tiết niệu và đường tiêu hóa như: rò niệu đạo, tinh hoàn ẩn, dị dạng hậu môn trực tràng, lỗ tiểu thấp… Thường gặp nhất trong số các bệnh nhân dị tật đường tiết niệu là tình trạng trẻ có lỗ tiểu thấp, chỉ riêng trong số 14 ca kể trên có đến 7 ca thuộc trường hợp này. Cấu tạo cơ thể có sự khác biệt, khiến trẻ gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt, không ít trẻ em trai khi đi tiểu phải ngồi như các bạn nữ để khỏi… ướt quần. Chính điều này tạo nên mặc cảm rất lớn cho trẻ, bị bạn bè trêu chọc và cảm thấy mình không bình thường như các bạn. Nhiều em có phản ứng tiêu cực, gia đình cũng rất lo lắng khi sợ những ảnh hưởng về tâm sinh lý sẽ tác động lâu dài đến cuộc sống của các em.
Các bác sĩ thực hiện ca phẫu thuật dị tật đường tiết niệu cho trẻ tại BVĐK tỉnh vào sáng 7.6.
Theo bác sĩ CKII Phạm Văn Phú, Trưởng khoa Ngoại tổng hợp, BVĐK tỉnh, dù chưa có thống kê chính thức về số trẻ bị dị tật bẩm sinh đường tiết niệu, nhưng riêng số ca đã được thăm khám, điều trị tại đây khá cao. “Năm 2000, khi có dịp ra Viện nhi Trung ương (Hà Nội), tôi nhìn vào danh sách bệnh nhi xếp hàng chờ phẫu thuật dị tật bẩm sinh đường tiết niệu mà phát hoảng, khi có rất nhiều em phải chờ đến vài năm sau mới đến lượt. Đợt đó, có một em khi biết chờ đợi quá lâu mới đến lượt thì liền… trèo lên cây, bảo nếu bác sĩ không mổ sớm sẽ nhảy xuống, thà chết chứ không chịu để bạn bè chọc ghẹo nữa. Các bác sĩ đành phải xử lý sớm cho trường hợp đặc biệt đó”, bác sĩ Phú nhớ lại. Cũng chính vì muốn cho trẻ không bị ảnh hưởng về tâm lý, các chuyên gia, bác sĩ khuyến cáo gia đình nên đưa trẻ đến khám và điều trị càng sớm càng tốt, nếu phát hiện trẻ có dị tật ở bộ phận sinh dục.
Khó từ… cây kim, sợi chỉ
Trên thực tế, BVĐK tỉnh đã tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân dị tật đường tiết niệu từ những năm 1990. Tuy nhiên, đến nay tỉ lệ thành công của các ca phẫu thuật chỉ khoảng 50%. Một trong những nguyên nhân khiến tỉ lệ thành công chưa như mong đợi là do thiếu nguyên vật liệu và trang thiết bị phục vụ cho phẫu thuật.
Bác sĩ Phạm Văn Phú cho biết: “Hiện nay, trên thế giới có đến hàng trăm cách phẫu thuật lỗ tiểu thấp. Cách thông dụng hiện nay là dùng vạt da tại chỗ tạo ống, nhưng do không có thành đỡ nên ống tiểu sau khi phẫu thuật dễ bị rò. Để hạn chế tình trạng này, việc khâu vết mổ cần có kim, chỉ chuyên dùng. Tuy nhiên, đến nay BVĐK tỉnh vẫn chưa có những dụng cụ, vật tư này”.
Ở đợt khám, phẫu thuật tại BVĐK tỉnh lần này, có sự góp mặt của nhiều chuyên gia, bác sĩ đầu ngành về lĩnh vực phẫu thuật dị tật đường tiết niệu, tiêu hóa. Họ đều đã nhiều lần làm việc chung với các ê kíp phẫu thuật của Hoa Kỳ, nên nắm giữ nhiều kinh nghiệm. Bác sĩ CKII Trần Thanh Trí, Trưởng khoa Ngoại tổng hợp Bệnh viện Nhi đồng 2, cho biết: Khi đến đây, chúng tôi có đem theo một số thiết bị hiện đại như súng lấy mẫu sinh thiết và các dụng cụ vi phẫu, dùng cho phẫu thuật bệnh nhi. Công bằng mà nói, về kỹ thuật, các bác sĩ BVĐK tỉnh Bình Định không thua kém nhiều các đồng nghiệp khác, nhưng vì thiếu nguyên liệu, trang thiết bị nên tỉ lệ thành công mỹ mãn chưa cao. Trong khi đó, dù rất muốn đem đến kết quả tốt nhất cho bệnh nhân, các bác sĩ cũng không thể đề nghị người nhà tự mua loại chỉ này, bởi rất dễ bị cho là gây phiền hà, có tiêu cực…
“Hiện chỉ có loại chỉ PDS6070 của một hãng duy nhất cung cấp có thể đáp ứng được những yêu cầu phẫu thuật kiểu này, giá cũng không quá cao (khoảng vài trăm ngàn đồng/ca - PV). Tuy nhiên, chúng tôi biết rằng việc đưa vào danh mục đấu thầu với tên gọi đích danh sẽ rất khó khăn, dễ gây nghi ngờ bác sĩ “có gì đó” với hãng cung cấp, chưa kể rất nhiều thủ tục phiền hà khác từ cơ quan chủ quản. Với Bệnh viện Nhi đồng 2 thì đơn giản hơn, do chúng tôi đã tự chủ về kinh phí, có thể mua ngoài danh mục đấu thầu”, bác sĩ Trí phân tích.
LÊ CƯỜNG