Về địa danh “Hoài Nhơn”
Hiện nay, “Hoài Nhơn” là tên gọi của một huyện phía Bắc tỉnh Bình Định: huyện Hoài Nhơn. Đây là một trong những địa danh Hán Việt có lịch sử lâu đời nhất ở Bình Định nói riêng, khu vực Nam Trung bộ nói chung, ra đời năm 1471.
Tháng 3.1471, vua Lê Thánh Tông cho sáp nhập vùng đất mới lấy được vào đạo thừa tuyên Quảng Nam, thành lập phủ Hoài Nhơn gồm ba huyện là Bồng Sơn, Phù Ly và Tuy Viễn, trải dài vào đến tận phía Bắc đèo Cả. Như vậy, lúc mới được thành lập, phủ Hoài Nhơn là một vùng đất rộng lớn, bao gồm cả hai tỉnh Bình Định và Phú Yên ngày nay.
Trong lịch sử hơn 500 năm của mình, địa đanh Hoài Nhơn nhiều lần thay đổi tên gọi và địa giới hành chính. Chẳng hạn, năm 1602, chúa Nguyễn Hoàng cho đổi phủ Hoài Nhơn thành phủ Quy Nhơn. Năm 1651, chúa Nguyễn Phúc Tần cho đổi phủ Quy Nhơn thành phủ Quy Ninh.
Từ thời Thiệu Trị (1841-1847), vì kị húy Thánh tổ Nhân hoàng đế Minh Mạng, chữ “nhân” phải đọc trại thành “nhơn”. Đây là lý do các địa danh mang thành tố “Nhân” ở Bình Định đều phải đổi lại thành “Nhơn” như An Nhơn, Nhơn Hưng, Nhơn Hòa, Nhơn Thành, Nhơn An, Nhơn Hạnh, Nhơn Hậu…
“Hoài Nhơn” có nghĩa là “mong, nghĩ về điều nhân” (hoài: nhớ, mong, nghĩ về; nhơn (đọc trại của nhân): lòng thương người, tính khoan dung). Không phải ngẫu nhiên mà khi đặt tên cho vùng đất mới, nhà Hậu Lê lại chọn tên gọi này. Nằm trong hệ thống các địa danh Hán Việt ra đời dưới thời phong kiến ở Bình Định, nhiều địa danh mang thành tố “Nhơn” nói lên chủ trương “nhân trị” trong đường lối trị nước của các triều nhà Nguyễn. Chẳng hạn, “Quy Nhơn” có nghĩa là “làm cho/ nơi điều nhân quy về”, “Nhơn Hội” nghĩa là “điều nhân được hội về”, “Nhơn Lý” nghĩa là “làng của điều nhân”, “Nhơn Hải” nghĩa là “biển của điều nhân”, “Nhơn Châu” nghĩa là “bãi, cù lao của điều nhân”… Địa danh “Hoài Nhơn” không nằm ngoài đặc điểm này.
“Nhân trị” có nội hàm rất rộng, trong đó nổi bật là yêu thương dân, đặt lợi ích của nhân dân, đất nước lên trên hết. Khi đặt tên “Hoài Nhân”, có lẽ nhà Lê muốn tự răn mình (và các triều đại sau) phải luôn nhớ, nghĩ về điều nhân trong đường lối trị nước. Đây là nét độc đáo trong việc đặt tên địa danh hành chính của chính quyền các triều đại phong kiến nước ta.
ThS. PHẠM TUẤN VŨ