Xử lý nghiêm tội chống người thi hành công vụ
Gần đây, tình trạng chống người thi hành công vụ có xu hướng diễn biến phức tạp. Hình thức chống đối của đối tượng rất đa dạng, như có lời nói lăng mạ, xúc phạm danh dự, hành hung… người thi hành công vụ. Căn cứ vào từng hành vi và mức độ vi phạm, ngành chức năng đã và đang tập trung xử lý nghiêm tội phạm này.
Nhiều người dự khán phiên tòa xét xử sơ thẩm các bị cáo: Nguyễn Trưởng (SN 1988), Nguyễn Văn Hải (SN 1994), Trần Thắng (SN 1992) và Bùi Hữu Chinh (SN 1996, cùng ngụ xã Phước Mỹ, TP Quy Nhơn), về tội “Chống người thi hành công vụ” quy định tại khoản 1 Điều 330 Bộ luật Hình sự, đều có chung nhận xét: phải xử lý thật nghiêm loại tội phạm này.
Quang cảnh phiên tòa xét xử các bị cáo: Nguyễn Trưởng, Nguyễn Văn Hải, Trần Thắng và Bùi Hữu Chinh (cùng ở xã Phước Mỹ, TP Quy Nhơn), về tội chống người thi hành công vụ.
Trước đó, tại đường Âu Cơ, phường Bùi Thị Xuân (TP Quy Nhơn), xảy ra vụ va chạm giao thông. Nhận được tin báo, lãnh đạo CA phường phân công anh Nguyễn Chí Thiên đến bảo vệ hiện trường, chờ cảnh sát giao thông CA TP Quy Nhơn đến giải quyết. Anh Thiên mặc đồng phục ngành CA, mang gậy điều khiển giao thông có đèn chớp đến hiện trường. Tại đây, Nguyễn Trưởng đến nói với anh Thiên: “Chỉ có mấy đứa em và thằng bạn quen, thôi anh về để tụi nó tự giải quyết”. Anh Thiên không trả lời, đi đến cắm cây gậy điều khiển giao thông trên môtô va chạm giao thông để cảnh báo người đi đường. Bực tức vì ý đồ dàn xếp sự việc không thành, Trưởng đến dùng tay kẹp cổ anh Thiên. Để tự vệ, anh Thiên dùng chân đạp Trưởng ra. Khi đó, Hải dùng hai tay xô vào người anh Thiên và la “cán bộ đánh dân”; Chinh, Thắng thấy Trưởng và Hải đánh anh Thiên cũng xông vào cùng đánh.
Hay như vụ 2 chiến sĩ CA phường Hải Cảng (TP Quy Nhơn), nhận nhiệm vụ đến hiện trường giải quyết một vụ gây mất trật tự, trị an. Khi thấy CA mặc cảnh phục có mặt tại hiện trường, đối tượng Trần Huy Linh (SN 1984) đã dùng chân đạp một chiến sĩ CA và giật gậy cao su nhằm cản trở người thi hành công vụ.
Những vụ việc chống người thi hành công vụ xảy ra trong thời gian qua tiếp tục cảnh báo thực trạng một bộ phận người dân coi thường pháp luật, tạo dư luận xấu trong xã hội. Đáng chú ý, các đối tượng chống người thi hành công vụ tập trung chủ yếu ở lứa tuổi thanh, thiếu niên - lứa tuổi dễ bốc đồng, không làm chủ được cảm xúc, hành vi, không ý thức hết hậu quả, tác hại do hành vi vi phạm pháp luật của mình gây ra.
Tình trạng chống người thi hành công vụ xảy ra còn cho thấy, những người làm nhiệm vụ thực thi công vụ, nhất là ở những lĩnh vực nhạy cảm, dễ va chạm như giao thông, phòng chống buôn lậu, hàng giả, ma túy… thì luôn bị nguy hiểm rình rập. Vị kiểm sát viên giữ quyền công tố tại phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Trưởng và đồng bọn nói trên đã nhận xét: “Tình trạng chống người thi hành công vụ trên địa bàn tỉnh tuy tính chất chưa nghiêm trọng nhưng làm ảnh hưởng đến kỷ cương trật tự trong quản lý xã hội. Do đó, việc xét xử nghiêm minh loại tội phạm này là yêu cầu cấp thiết của công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm”.
Do đó, cùng với việc xử phạt của tòa án, chính quyền địa phương, các đoàn thể quần chúng và gia đình cũng cần có biện pháp quản lý, giáo dục thanh, thiếu niên, góp phần tích cực vào việc phòng ngừa tội phạm chống người thi hành công vụ.
Theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015, người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Nếu phạm tội 2 lần trở lên, có tổ chức cũng như xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.
K.ANH
Là người có học, biết suy nghĩ thì không bao giờ đối xử với cán bộ, cảnh sát, công an nhân dân như như vậy. Bởi vì họ là những người do Nhà nước cử đến để bảo an ninh trật tự xã hội, giữ môi trường cuộc sống ổn định cho người dân được sống và làm việc trong cảnh yên bình không bị đe dọa bởi các thế lực lưu manh, côn đồ. Vì vậy người dân chúng ta cần cộng tác và giúp đỡ, hổ trợ họ, khi mình có thể. Họ có gì sai, thì nói (bằng đơn thư hay điện thoại) có nơi có chỗ có cơ quan chức năng sẽ xử lí họ đúng luật, đúng quy định của pháp luật