Tư liệu quý về vai trò của Bình Ðịnh với chữ Quốc ngữ
Chữ Quốc ngữ từ Nước Mặn đến Làng Sông (NXB Ðồng Nai, 2018) là tập sách ra mắt nhân kỷ niệm 400 năm chữ Quốc ngữ (1618 - 2018) gồm 14 bài viết của các tác giả: Phan Huy Lê, Nguyễn Thanh Quang, Võ Ðình Ðệ và Trương Anh Thuận.
Chữ Quốc ngữ từ Nước Mặn đến Làng Sông
Chữ Quốc ngữ là chữ viết do các giáo sĩ Công giáo phương Tây, cụ thể là các vị thừa sai Dòng Tên, tạo từ mẫu tự Latinh để ký âm tiếng nói của người Việt vào đầu thế kỷ XVII. Ba trung tâm lưu trú, hoạt động quan trọng nhất của các nhà truyền đạo là Hội An, Nước Mặn và Dinh Chiêm. Tháng 7.1618, Nước Mặn trở thành cư sở đầu tiên của các giáo sĩ Dòng Tên ở Đàng Trong. Cũng từ năm 1618, tại Nước Mặn, các giáo sĩ Dòng Tên như: Cristoforo Borri, Francisco de Pina, Francesco Buzomi đến truyền giáo, học tiếng Việt và dùng chữ cái Latinh để ghi âm tiếng Việt.
Trong bài viết Tổng kết hội thảo khoa học Bình Định với chữ Quốc ngữ, GS Phan Huy Lê nhận định: “Trong buổi sơ khai, chúng ta có nêu lên đóng góp của một số người ở một số trung tâm nhất định, nhưng thật khó và không thể xác định được tên tuổi một người ở một nơi vào một thời điểm cụ thể được coi là người và nơi đầu tiên sáng tạo ra chữ Quốc ngữ”. Nhưng cũng chính GS Phan Huy Lê, qua những luận cứ xác thực, khẳng định: “Chữ Quốc ngữ trong trạng thái phôi thai, ra đời sớm nhất ở ba trung tâm: Nước Mặn, Hội An và Dinh Chiêm, trong đó Nước Mặn có phần sớm hơn”. Người đọc cũng tìm thấy sự khẳng định ấy trong các bài viết: Nước Mặn - Nơi phôi thai chữ Quốc ngữ và Chữ Quốc ngữ thời kỳ phôi thai ở Nước Mặn của Cristoforo Borri trong tác phẩm Tường trình về khu truyền giáo Đàng Trong (tác giả Nguyễn Thanh Quang), Nước Mặn, cảng thị và trung tâm truyền giáo (tác giả Lm. Gioan Võ Đình Đệ)…
Cuốn sách nhấn mạnh vai trò quan trọng của các thừa sai, đặc biệt là ba người truyền giáo có công đầu tiên trong việc sáng tạo ra chữ Quốc ngữ là linh mục bề trên Buzomi và hai linh mục là Pina và Borri. Ngoài khẳng định vai trò các thừa sai, cuốn sách đề cập đến vai trò của quan Tuần phủ khám lý Quy Nhơn Trần Đức Hòa với việc hình thành chữ Quốc ngữ.
Trần Đức Hòa là người bảo trợ, giúp đỡ tích cực khi đưa đón linh mục Borri cùng Buzomi và Pina từ Hội An vào Quy Nhơn, lưu trú tại Nước Mặn. Người đọc sẽ được tường tận hơn về vai trò của quan Trần Đức Hòa qua bài viết của tác giả Nguyễn Thanh Quang: Quan Trấn Phủ Qui Nhơn Trần Đức Hòa với việc hình thành chữ Quốc ngữ.
Nước Mặn là “trung tâm học tiếng Việt” đương thời, đó là điều chắc chắn. Th.S Trương Anh Thuận trong bài viết Luận về vai trò của Bình Định trong giai đoạn phôi thai hình thành chữ Quốc ngữ đầu thế kỷ XVII, khẳng định: “Trên thực tế, Nước Mặn, Bình Định không chỉ là nơi đầu tiên các giáo sĩ Francesco Buzomi, Francisco de Pina, Critoforo Borri… đến học tiếng Việt mà còn là “trường dạy Quốc ngữ” cho các lớp giáo sĩ tiếp theo như Emmanuel Borges, Louis Leira (1622), Gaspar Luiz (1624), Girolamo Majorica (1624)… Từ “cái nôi” Nước Mặn, Bình Định, thừa sai Pina đã được lĩnh hội một vốn tiếng Việt dồi dào để sau đó khi trở lại cơ sở Hội An, ông đã đem cái vốn ấy truyền lại cho thừa sai Alexandre de Rhodes - một trong những người có vai trò quan trọng trong giai đoạn phát triển và hoàn thiện chữ Quốc ngữ sau này”. Kế thừa nền tảng đó, về sau Alexandre de Rhodes đã cho ra đời ba tác phẩm chữ Quốc ngữ in năm 1651: Phép giảng tám ngày, Văn phạm Việt ngữ và Từ điển Việt - Bồ - La, đánh dấu bước hoàn thiện và phát triển mạnh của chữ Quốc ngữ.
Tiến trình phát triển chữ Quốc ngữ ở Việt Nam có may mắn là được máy in hỗ trợ từ rất sớm. Nhà in Làng Sông ra đời trước thời điểm năm 1872, góp phần cực kỳ quan trọng vào việc đắp bồi, phát triển, phổ biến chữ Quốc ngữ. Vấn đề này được tác giả Nguyễn Thanh Quang mổ xẻ sinh động trong bài Nhà in Làng Sông, một trong ba trung tâm truyền bá chữ Quốc ngữ và văn học quốc ngữ đầu tiên tại Việt Nam.
Rõ rằng, cuốn sách với những bài viết nghiên cứu nghiêm túc, chỉn chu, dẫn chứng nhiều tư liệu cổ với những lập luận chặt chẽ, chứng cứ vững chắc hẳn sẽ là một nguồn tư liệu quý cần thiết cho những ai muốn tìm hiểu về nguồn gốc chữ Quốc ngữ cũng như vai trò của Bình Định với chữ Quốc ngữ.
VÂN PHI