Đừng để “no dồn đói góp”!
Hàng năm, cứ mỗi mùa sinh viên đại học, cao đẳng nhập trường là xã hội lại tiếp nhận từ báo chí thông tin về nhiều mảnh đời, nhiều số phận, nhiều hoàn cảnh rất éo le, nghiệt ngã trong các tân sinh viên. Đáng mừng là, sau những dòng thông tin thấm đẫm nước mắt của sự xót xa, là những chia sẻ, động viên đầy tình cảm yêu thương, ấm áp và thấm đẫm tình người. Tiếp theo đó là sự chung tay, góp sức về tài chính của các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm và cộng đồng xã hội nhằm giúp đỡ các sinh viên gặp khó khăn.
Cũng qua báo chí, chúng ta được biết rất nhiều em có hoàn cảnh khó khăn đã nhận được sự giúp đỡ, động viên cả tinh thần và vật chất để có thêm điều kiện tiếp tục con đường học tập của mình. Có cơ quan báo chí đã gầy dựng được chương trình tiếp sức đến trường từ hàng chục năm qua, huy động nguồn lực hàng chục tỉ đồng từ nhiều nguồn để trao học bổng hỗ trợ hàng ngàn tân sinh viên đang gặp khó khăn về tài chính có nguy cơ không thể nhập học. Có doanh nghiệp đều dặn hàng năm góp hàng tỉ đồng vào quỹ tiếp sức đến trường cho sinh viên nghèo. Có thể nói đây là những sự giúp đỡ rất có ý nghĩa mà giá trị nhân văn của nó lớn hơn nhiều so với giá trị vật chất thực của mỗi suất học bổng.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy trong câu chuyện hỗ trợ học tập cho học sinh, sinh viên vẫn còn nhiều điều bất cập. Chẳng hạn, chúng ta dễ dàng nhận thấy một số trường hợp được báo chí đăng tải thì rất nhanh chóng nhận được sự hỗ trợ về nhiều mặt, thậm chí có trường hợp nhận được rất nhiều là đằng khác. Song liệu rằng báo chí có đăng tải hết các trường hợp khó khăn cần giúp đỡ? Liệu rằng có phải những trường hợp được báo chí nêu đã là những hoàn cảnh ngặt nghèo nhất? Liệu rằng tất cả các hoàn cảnh khó khăn đều được hỗ trợ giúp đỡ?...
Do đó, với cách làm như lâu nay chúng ta có thể thấy tình trạng chung khá phổ biến trong việc “cho và nhận” là trong khi có một vài trường hợp được nhận quá nhiều so với số đông cùng chung hoàn cảnh thì vẫn có những trường hợp không nhận được hoặc nhận được ít hơn nhiều. Tất nhiên không thể có sự bằng nhau tuyệt đối nhưng sẽ là tốt hơn rất nhiều nếu không còn tình trạng “no dồn đói góp” trong việc hỗ trợ, giúp đỡ sinh viên khó khăn.
Hiện nay, Nhà nước cũng có chính sách tín dụng ưu đãi dành cho học sinh, sinh viên. Tuy nhiên so với thời giá thì định mức vay còn thấp chưa đủ để trang trải cho cuộc sống học tập, điều kiện thủ tục vay cũng chưa được thông thoáng, gọn nhẹ. Vì vậy, nên chăng cùng với Nhà nước, các tổ chức xã hội, các tập đoàn kinh tế hay doanh nghiệp,… có thể thành lập một loại Quỹ khuyến học dành để tài trợ ban đầu cho các trường hợp khó khăn, sau đó sẽ tiến hành cho vay như một dạng tín dụng như loại tín dụng mà Chính phủ đã và đang dành cho học sinh, sinh viên. Theo đó, trong thời gian học họ sẽ không phải lo lắng về khả năng tài chính. Khi hoàn thành việc học họ có công ăn việc làm và sẽ trả lại khoản vay này từ thu nhập hàng tháng của họ. Đây cũng là cách làm phổ biến ở nhiều nước trên thế giới, kể cả các nước phát triển và giàu có như châu Âu và Mỹ…
Như vậy, nếu xây dựng được nguồn lực mạnh cho quỹ này thì tất cả các trường hợp khó khăn đều có thể nhận được hỗ trợ đủ để yên tâm theo đuổi việc học hành, không bị cản trở với khó khăn về tài chính. Điều đó sẽ tạo nên công bằng xã hội khi xóa được tình trạng “no dồn đói góp”. Và, với những trường hợp được hỗ trợ, với mối quan hệ bình đẳng của sự “vay - trả” họ không phải mang trong mình ít nhiều mặc cảm của sự “xin - cho”, mà thay vào đó là sự tự tin trong cuộc sống và có trách nhiệm cao hơn với chính mình.
HẢi đăng