Phòng các bệnh về da thường gặp trong mùa hè
Khí hậu nóng và độ ẩm cao của mùa hè khiến các bệnh ngoài da thường tăng mạnh, các bệnh viêm da thường gặp trong mùa hè là: viêm da mủ, viêm nan lông, mụn nhọt, rôm sảy, nấm da, viêm da do cơ địa, viêm da virus.
Bác sĩ Thân Văn Châu - Phó Giám đốc Trung tâm Da liễu tỉnh cho biết: “Các bệnh về da thường xảy ra với những người có điều kiện, tình trạng vệ sinh kém. Người ta có thể khó chịu, nhưng rất ít lo lắng khi mắc bệnh về da. Nhưng không có nghĩa bệnh về da thì không nguy hiểm, không có nguy cơ tác động để gây nguy hiểm cho sức khỏe. Đơn cử như mụn nhọt. Mụn nhọt là hiện tượng nhiễm khuẩn mủ cấp và gây hoại tử tổ chức ở nang lông do tụ cầu vàng. Nhọt có thể xảy ra ở mọi nơi trên cơ thể và thường thì không nguy hiểm. Nhưng một số vùng đặc biệt khi bị nhọt lại rất nguy hiểm như: vùng mặt, quanh mũi miệng, thường gọi là đinh râu. Đó là hiện tượng nhiễm tụ cầu ác tính vùng mặt, có thể biến chứng nhiễm khuẩn huyết hoặc viêm tắc tĩnh mạch xoang hang rất nguy hiểm. Một số trường hợp nhọt tập trung thành cụm nhiều nhọt và thường hay ở sau lưng, khi các nhọt này vỡ để lại các lỗ rò mủ. Đây là biểu hiện nặng của nhọt có thể gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh”.
Ngoài ra nấm da là bệnh lý ngoài da rất thường gặp, bệnh có thể xuất hiện ở nhiều nơi như da, niêm mạc, tóc và móng. Tổn thương do nấm thân có kích thước, độ nặng và độ sâu khác nhau tùy thuộc vào cơ địa mỗi người và chủng nấm khác nhau. Người bệnh ngứa nhiều khi ra nắng, tiết mồ hôi.Người ta thường ít để tâm, xem nhẹ các bệnh về da. Tuy nhiên, như đã đề cập ở trên, các bệnh về da nếu không được điều trị đúng cách, vẫn tạo ra nguy cơ ảnh hưởng rất xấu đến sức khỏe con người.
Do đó, khi xuất hiện bệnh lý nhiễm khuẩn da cần có biện pháp xử trí phù hợp để ngăn không cho tình trạng nhiễm khuẩn lan rộng. Chúng ta không nên cào, gãi, chà xát, nặn, chích, cắt lễ hay dùng bất kỳ một biện pháp can thiệp cơ học nào vào sang thương khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
Nên rửa nơi bị tổn thương nhẹ nhàng với nước và xà phòng. Sau đó dùng gạc vô trùng thấm khô và có thể bôi thuốc sát khuẩn lên bề mặt vết thương. Không nên bôi cồn I ốt hoặc các thuốc bôi có kháng sinh theo truyền khẩu trong dân gian, đặc biệt đối với các sang thương da rộng lớn. Đối với các nhiễm khuẩn da dạng u nhọt, đôi khi phải dùng đến biện pháp tiểu phẫu cắt lọc hay dẫn lưu mủ. Đối với các vết thương cấp tính đang rịn nước, chỉ nên dùng các dung dịch sát khuẩn, bôi trực tiếp hay có thể tẩm lên gạc để băng, tuyệt đối không được bôi các loại thuốc mỡ. Các thuốc bôi dạng kem hay thuốc mỡ chỉ có thể sử dụng khi tổn thương đã khô và đóng vảy.
“Có thể dùng thuốc kháng viêm, giảm đau, kháng sinh đường uống hoặc tiêm. Nhưng khi dùng kháng sinh điều trị phải theo chỉ định và có sự theo dõi của bác sĩ chuyên khoa da liễu. Không nên tự ý điều trị vì có thể bệnh không khỏi mà còn gây nguy hiểm đến tính mạng”, bác sĩ Châu lưu ý.
THÙY VY (Trung tâm TT-GDSK tỉnh)