Người đàn ông của Phương
* Truyện ngắn của MỘC ANH
Yêu Tấn sâu đậm rồi, Phương mới biết một sự thật bất ngờ. Ấy là cái lần hai đứa đi cùng nhau trong công viên có hai hồ nước, bị giật lại bởi tiếng gọi chói lói. Dưới ánh nắng ấm áp của những ngày giữa mùa xuân, cô gái có chiếc răng khểnh mặc váy ngắn đứng chống nạnh, đôi mắt lóe lên những tia đanh đá, tinh nghịch. Lúc cô gái tiến gần lại, Tấn cười ngượng ngùng: “Em gái anh đấy”, quan sát nhóm người với máy ảnh, đồ trang điểm xung quanh cô gái, Phương mới kịp định thần lại. Đó là một “hot girl” khá nổi của thành phố này.
Sẽ chỉ dừng lại ở đấy thôi nếu Phương không biết rằng bố mẹ Tấn cũng là những diễn viên nổi tiếng một thời. Mẹ Tấn, chuyên trị những vai đáo để, còn bố Tấn, điều này mới thực sự làm Phương xúc động. Ông chính là thần tượng điện ảnh của Phương. Người đàn ông có khuôn miệng biết cười và dáng dấp lãng tử ấy, ông hiện diện trong cuộc sống ấu thơ của Phương, trên chiếc ti-vi đen trắng, thân thiết đến mức nhiều lúc Phương tưởng đó chính là một người rất đỗi gần gũi với mình. Trong trí nhớ rất nguyên sơ của Phương vẫn còn lưu lại rất nhiều hình ảnh, cử chỉ thời trẻ của ông ở trong phim, dù những bộ phim ấy thường bị cô Ngân tắt phụt giữa chừng. Một vẻ đẹp mà từ bấy đến giờ, Phương không thể tìm thấy ở những người đàn ông khác. Tấn, có lẽ giống mẹ, những nét trên gương mặt thiếu rắn rỏi, thiếu sự phóng khoáng mà cha anh từng có.
Nói là đã từng vì đến tận một thời gian dài sau ngày gặp em gái “hot girl” của Tấn, Phương vẫn chưa nhận lời đến gặp bố mẹ anh, dù Tấn năm lần bảy lượt dò ý. Qua một người bạn, Phương được biết gia đình Tấn khá giàu có. Điều đó khó biết được khi nhìn vẻ bề ngoài giản dị, có phần hơi tuềnh toàng của Tấn. Phương nhìn lại mình, tuy là con một nhưng sinh ra ở ngoại thành, bố mẹ trồng rau, củ mỉ cù mì. Thời đại mà người ta ở nhà lầu, đi xe ô tô, cả gia đình Phương vẫn còn trú ngụ trong căn nhà gỗ cũ kỹ ông bà nội để lại, bố mẹ Phương vẫn đi những chiếc xe đạp sản xuất từ hai thập niên trước. Mỗi lần Phương tự biếm về nhà mình, bố lại cười xòa: “Thế mà có năm, người ta mượn nhà mình làm chỗ quay phim đấy. Bộ phim ấy bố không được xem vì không phát trên ti-vi, nghe đâu đi dự giải quốc tế cơ”.
*
Những lúc hiếm hoi tỉnh táo, cô Ngân thường bảo Phương: “Đừng chọn những gã đàn ông lãng tử. Chúng nó chỉ giỏi nói những lời ngọt ngào”. Trời đày khiến sinh ra thiếu nhanh nhẹn, nhan sắc hơn người của cô Ngân bỗng trở thành nỗi bất hạnh. Thời trẻ, cũng đã có người ướm hỏi cô nhưng rồi phận gái mười ba bến nước, không hiểu vì sao lại không đến được với nhau.
Từ lúc yêu, thứ mà Tấn mua cho Phương nhiều nhất là những chiếc chân váy dài. Một ngăn tủ nhựa của Phương đã chất đầy trang phục này. Những chiếc váy dài tươi sáng, xinh đẹp, chúng hợp với vóc dáng có phần hơi mong manh của Phương, mái tóc dài suông và cả những chiếc áo tay lỡ hơi phồng giản dị. Phương yêu Tấn lắm, nhất là mỗi lần khi anh nhìn sâu vào mắt Phương, cầm lấy bàn tay nhỏ, áp lên má mình. Không một lời nói yêu thương nào có thể so sánh với những phút như thế.
Cho nên, một lần, khi anh lại cầm lấy tay Phương, áp lên má và nói: “Mai là sinh nhật bố anh, em về cùng anh nhé”, Phương đã bị đôi mắt ấy dẫn dụ đến mức suýt gật đầu mà không cần suy nghĩ. Nhưng rồi Phương khựng lại. Như để tăng thêm tâm trạng để Phương đồng ý, Tấn nói thêm: “Trước cổng nhà anh cũng trồng một cây hoa giun. Tuổi nó chắc bằng tuổi em bây giờ. Đến xem có giống cây hoa giun nhà em không? Nghe đâu cây hoa này bố anh lấy giống trồng từ cách đây nhiều năm, khi đi đóng phim ở một vùng nông thôn. Bố anh đang viết hồi ký. Còn mẹ anh nội trợ và rất hiền”. Vậy là Phương lại mở ngăn tủ nhựa chứa chân váy dài, chọn một chiếc chân váy màu xanh thẫm cùng với áo sơ mi ngắn tay màu trắng và áo len mỏng.
Giàn hoa nhà Tấn không tươi tốt như của nhà Phương. Những nhành hoa như cằn lại, hoa nở kém tươi. Có lẽ vì đất đai, khí hậu ở thành phố không được thuận lợi bằng. Mẹ Tấn tiếp Phương bằng nụ cười và đôi mắt kẻ đậm nét. Cô em gái “hot girl” loi choi đi ra đi vào. Phương thận trọng từng bước chân vào căn phòng bày biện đẹp mắt, trống ngực bỗng dội lên những hồi rộn rã.
Người đàn ông đang đứng quay lưng lại với Phương, nhìn ra cửa sổ. Nhìn từ đằng sau, dáng dấp của ông vẫn rất đỗi đẹp đẽ và thân quen. Và khi ông quay lại, đứng hình vài phút không nói năng, một cảm giác kỳ lạ choáng ngợp trong Phương. Gương mặt gần gũi quá, dù ông đã già đi nhiều.
Bữa tiệc nhỏ gồm 5 người diễn ra nhẹ nhàng, thoải mái. Hóa ra, không như những vai diễn ghê gớm trên phim, mẹ Tấn rất hiền, bà đon đả gắp thức ăn và luôn miệng giục Phương ăn. Cô em thì vẫn ngây thơ, tinh nghịch như thường. Bố Tấn, dù rất ít nói nhưng lời nào của ông cũng cần thiết và ấm áp. Khi Phương nói rằng đến từ làng Thi, đôi mắt nâu đang cúi xuống của ông ngay lập tức ngước lên. Ông định hỏi câu gì đó thì mẹ Tấn đã đổi chủ đề câu chuyện.
Tấn đưa Phương về khi thành phố bắt đầu se lạnh. Quàng tay ra sau ôm lấy eo người yêu: “Em lạnh không?”. Phương không nói gì, khẽ tựa vào lưng Tấn. Lúc chia tay, Tấn nói: “Mai kia mình về nhà em chơi nhé?”. Phương nửa muốn gật, nửa muốn không, cứ để yên tay mình trên má Tấn.
Từ hôm ấy, Phương đâm ra lại hay nghĩ về bố Tấn, người đàn ông trong ký ức non dại của mình. Rồi Phương cố tìm kiếm thông tin người đàn bà của ông, mẹ Tấn. Bà không có một vẻ đẹp nổi trội nhưng cá tính và phá cách, từng là bạn thân của một nữ diễn viên quá cố khác. Nữ diễn viên này quen thuộc trong hình ảnh bận những chân váy dài, đã qua đời khi còn rất trẻ. Điều bất ngờ là bà từng là người yêu của bố Tấn. Cô em gái cũng được giới trẻ quan tâm nồng nhiệt. Còn Tấn, tuyệt nhiên không thấy hình ảnh hay thông tin gì về anh. Dường như Tấn đứng ngoài cuộc sống ngập sáng của gia đình này. Điều làm Phương buồn lòng nhất là hình ảnh của người đàn ông có khuôn miệng biết cười và dáng dấp lãng tử ấy cứ thường trực trong từng giấc mơ của cô, nhiều đến mức khi ông đứng trước mặt rồi, Phương vẫn ngỡ ngàng.
“Lúc mới nhìn thấy cháu, bác đã rụng rời chân tay vì cháu rất giống một người. Làng Thi là nơi bác từng về đóng phim suốt 4 tháng ròng. Cháu và Ngân là gì với nhau?”, ông bắt đầu câu chuyện như thế, như đã chờ đợi và nóng nảy muốn hỏi han từ rất lâu. “Cô Ngân là em bố cháu”. “Ngày bác về, bố mẹ cháu đã khá lớn tuổi nhưng chưa có con. Ngân bây giờ thế nào hả cháu?”...
Ông về rồi, Phương còn bần thần nhìn ra ô cửa sổ phòng trọ. Gương mặt Phương phản chiếu vào trong màn hình laptop dựng sẵn nhưng đã tắt lịm trên bàn. Ngày nhỏ, có lần, rất tình cờ, Phương nghe người ta nói mình chính là con gái cô Ngân, người đã chậm chạp từ lúc sinh ra nhưng bất hạnh là lại có nhan sắc hơn người.
Phương chưa kịp làm rõ một điều gì thì nhà đã gọi về. Chưa bước chân vào căn nhà gỗ cũ kỹ ấy, Phương đã thấy là lạ. Ngoài bố mẹ Phương, cô Ngân, cả gia đình Tấn đã tề tựu đông đủ trên bộ ghế đẩu cũ kỹ. Lạ lùng thay, Phương rất bình tĩnh khi biết được sự thật rằng mình là con đẻ của cô Ngân. Có lẽ vì đã trù liệu trước. Điều làm Phương sốc nhất là việc người đàn ông trong ký ức ấu thơ của cô, bố Tấn, chính là bố đẻ của mình. Phương nhìn sang Tấn. Anh cách cô chỉ một sải tay. Gương mặt anh phẳng lặng, khó đoán định cảm xúc. Kể từ ấy, không khí im lặng bao trùm lên cả căn nhà cho đến khi Tấn cất tiếng: “Có lẽ nói điều này là hơi ích kỷ trong thời điểm này, nhưng con không muốn Phương phải đau khổ. Con mới biết rằng con cũng không phải là con ruột của bố mẹ. Con yêu Phương và không điều gì có thể ngăn trở chúng con đến với nhau”.
Còn người đàn ông ấy, bố đẻ của Phương, ông không nói gì thêm, chỉ lặng lẽ trao cho Phương cuốn hồi ký bấy lâu nay ông cặm cụi viết. Nhìn những đốm đồi mồi trên bàn tay già nua, vẻ lãng tử năm nào bỗng chìm xuống, nhường chỗ cho sự mủi lòng trong Phương.
Hồi ký kể rằng nam diễn viên nổi tiếng một thời từng có chuyện tình như mơ với một nữ diễn viên tài năng. Sau chuyến về nông thôn đóng phim của ông, phút xao lòng với cô gái thôn quê xinh đẹp nhưng không được nhanh nhẹn đã để lại sợi dây kết nối giữa hai người là một mầm sống. Ông không biết điều này khi trở lại thành phố. Rồi tình yêu với nữ diễn viên cũng tan vỡ. Ông vẫn còn yêu nữ diễn viên này mãi đến khi cô có con với một người đàn ông khác, rồi cô qua đời sau một tai nạn giao thông. Bạn thân của cô gái từng yêu thầm người yêu của bạn, sau đó đã kết hôn với ông. Hai người đón cậu bé, con trai của nữ diễn viên về nuôi. Họ có thêm một cô con gái. Còn cô gái thôn quê ngày ấy, sau khi sinh con, buồn bã vì người cũ quên lời hứa, mặc vợ chồng anh trai và chị dâu gạn hỏi thế nào cũng không nói ra danh tính bố đứa trẻ. Hiếm muộn, họ quyết định cùng nuôi đứa bé, đặt tên Phương. Một cái tên giản dị đến nỗi người ta quên mất rằng đó cũng là tên của nam diễn viên nổi tiếng từng về làng đóng phim năm nào...
M.A