Lắng nghe những nỗi niềm
Mẹ tôi thường vẫn nghe radio vào những buổi sáng khi cha con tôi bước chân ra khỏi nhà, cha đi làm, tôi đi học. Khi trưa trở về, mẹ vẫn lắng nghe âm thanh phát ra từ chiếc đài nhỏ. Thời gian cùng công việc bận rộn kéo mỗi người theo một hướng khác nhau. Mẹ chỉ ở nhà chuẩn bị tất cả mọi thứ cho chồng con. Nhiều lúc, tôi nghĩ, không biết giờ này mẹ đang làm gì, mẹ có buồn không? Nhưng rồi lại nhớ mẹ có một người bạn là radio. Mẹ có thể nghe những tin tức, nghe những giai điệu âm nhạc, và chắc là mẹ sẽ không cảm thấy trống vắng…
Điều tôi nghĩ là đúng? Mẹ có bao giờ cảm thấy trống vắng không khi suốt ngày ở nhà và làm những công việc lặp đi lặp lại? Hay cũng như bao nhiêu người khác, mẹ tìm cho mình điều gì đó để lấp đầy, một cách vô thức. Lắng nghe radio cũng giống như một cách để mẹ chuyện trò những lo âu của mình với những đổi thay của nhịp sống hiện đại; lắng nghe để phút giây dần trở nên nhẹ nhàng hơn, không bận tâm suy nghĩ. Và cứ thế, một ngày rồi sẽ hết, các con sẽ về và cha cũng vậy. Mẹ lại vui bên mâm cơm, rồi chiếc đài con đành tạm dừng một thời gian ngơi nghỉ, chờ sang ngày mới.
Có lẽ đó là cách nghĩ của tôi - một người con dửng dưng luôn đổ mọi sự đổi thay là do cách biệt thế hệ, tuổi tác: mẹ đã lớn tuổi, mẹ ít muốn đi đâu; còn tuổi trẻ như tôi, thoải mái, muốn đi nhiều nơi, trải nghiệm nhiều điều mới mẻ. Tôi làm sao biết được chỉ có mẹ nghĩ từng li từng tí cho những thay đổi trong gia đình. Tôi làm sao biết mẹ cũng có nhiều nỗi buồn mà tôi và cha chẳng có thời gian để chia sẻ. Phải chăng tôi đã quên mất, mẹ cũng có nhu cầu được lắng nghe, và là người lắng nghe.
Nhu cầu sẻ chia thật sự cần thiết, và càng ngày càng trở nên quan trọng. Đâu phải tự nhiên mà xuất hiện nhiều chương trình phát thanh mang tên “Bạn hãy nói với tôi”, “Cửa sổ tâm hồn”, “Cửa sổ xanh”… làm nhịp cầu nối, tư vấn tâm lý. Và cũng bởi “nước mắt chảy xuôi có bao giờ chảy ngược”, khi qua cái thời kì “ẩm ương” bước vào tuổi trưởng thành thì ta lại quên đi mẹ cha vào tuổi xế chiều với những nỗi buồn không tên. Vậy làm sao để ta hiểu cho những nỗi niềm, cách nào khác ngoài việc lắng nghe? Tôi luôn dành thời gian ở bên mẹ, đôi khi chẳng làm gì cả, chỉ để lắng nghe, những điều rất bình thường, chuyện đồ ăn, nồi xoong, chén bát… rồi tới chuyện xóm giềng. Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ cho những phút giây mẹ cảm thấy thảnh thơi và thấy mình được tâm sự. Quả thật đó chẳng phải là điều gì to tát.
Tôi chợt nhớ tới bức hình trên trang mạng xã hội facebook, đại ý, cha mẹ sinh con ra và nuôi con lớn khôn, rồi có những ngày mẹ cha cũng “trẻ dần” đi, để cần được các con lắng nghe, lắng nghe và chăm sóc những nỗi niềm…
MẪU ĐƠN