Kiểm sát hoạt động bán đấu giá tài sản để thi hành án:
Còn bỏ ngỏ
Việc thiếu sự kiểm sát trong hoạt động bán đấu giá tài sản đã làm nảy sinh hiện tượng thông thầu, dàn xếp về giá trúng thầu hoặc không giao được tài sản cho người trúng đấu giá…
BĐGTS để thi hành án là lĩnh vực khó và “nhạy cảm”, vì vậy cần có sự kiểm sát của cơ quan chức năng để hạn chế những vi phạm.
- Trong ảnh: Chủ tịch UBND tỉnh Lê Hữu Lộc và đại diện các sở, ngành liên quan trong một cuộc họp giải quyết những khó khăn trong công tác THADS trên địa bàn tỉnh trong năm 2013.
Biết ra thì sự đã rồi
Theo báo cáo của Viện KSND tỉnh, từ khi Nghị định 17/2010/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ về bán đấu giá tài sản (BĐGTS) (gọi tắt là Nghị định 17) có hiệu lực từ ngày 1.7.2010, Viện KSND tỉnh chỉ kiểm sát BĐGTS qua việc kiểm sát hồ sơ thi hành án (THA), thay vì kiểm sát trực tiếp đơn vị BĐGTS như trước đây. Chỉ qua kiểm sát trực tiếp tại cơ quan thi hành án dân sự (THADS) hoặc qua khiếu nại, tố cáo của bên có tài sản phải THA, Viện KSND 2 cấp mới yêu cầu cơ quan THADS cung cấp hồ sơ về BĐGTS để kiểm sát. Từ đó, Viện KSND mới phát hiện ra một số vi phạm trong việc tổ chức BĐGTS THA, như: có hiện tượng định giá tài sản không sát với giá thị trường, dàn xếp giá...
Theo ông Nguyễn Xuân Thanh, Trưởng Phòng kiểm sát THADS, Viện KSND tỉnh, việc kiểm sát hoạt động BĐGTS qua hồ sơ THA, nhiều khi đặt cơ quan chức năng vào thế… biết ra thì sự đã rồi. Cho dù sau đó kết quả đấu giá vi phạm đã bị hủy, người khiếu nại được hướng dẫn khởi kiện ra tòa theo quy định tại Điều 102 Luật THADS, thì đương sự rất tốn thời gian, công sức để đòi lại tài sản.
Điển hình là trường hợp bán đấu giá nhà của bà Đặng Thị Thông (ở tổ 38, KV4, phường Quang Trung, Quy Nhơn) năm 2000 để thi hành án trả nợ cho ông Phạm Kiều. Cơ quan bán đấu giá chỉ tổ chức cho 2 người tham gia đấu giá là ông Kiều và người nhà ông Kiều, không theo nguyên tắc công khai mà bỏ phiếu kín. Ông Kiều đã đấu giá trúng (giá 14,5 triệu đồng) và được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, sau đó bán lại cho ông Đồng Văn Mạc. Phát hiện việc bán đấu giá vi phạm pháp luật, Viện KSND tỉnh kháng nghị với Cơ quan THADS tỉnh ra quyết định hủy kết quả bán đấu giá. Dù quyết định đã bị hủy, và bà Thông đã chủ động nộp đủ số tiền trả nợ ông Kiều cho Cơ quan THADS TP Quy Nhơn, nhưng đến nay, đương sự chưa đòi được nhà vì ông Mạc không chịu trả.
Gần đây, thông qua xem xét đơn khiếu nại của người phải THA, Viện KSND tỉnh phát hiện cơ quan THADS huyện Tuy Phước đấu giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất của người phải THA không sát giá thị trường, có biểu hiện dàn xếp giá, gây thiệt hại cho bên có tài sản. Viện đã kiến nghị cơ quan THADS, đồng thời hướng dẫn đương sự khởi kiện ra tòa xét xử để hủy kết quả bán đấu giá.
Cần có quy định kiểm sát hoạt động bán đấu giá
Điều 37 của Quy chế kiểm sát THADS có quy định về kiểm sát hoạt động BĐGTS đã kê biên, kiểm sát hợp đồng bán đấu giá để THA của trung tâm dịch vụ BĐGTS hoặc doanh nghiệp bán đấu giá… Tuy nhiên, tại tỉnh ta, việc kiểm sát các phiên định giá, đấu giá tài sản hầu như vẫn còn bỏ ngỏ kể từ sau Nghị định 17.
Ông Nguyễn Xuân Thanh phân tích: “Từ khi cơ quan THADS ra quyết định THA đến cưỡng chế kê biên thì có Viện KSND tham gia, nhưng sang giai đoạn BĐGTS, kết thúc THA thì lại không. Hiện nay, tuy Luật tổ chức Viện KSND năm 2002 và Luật THADS năm 2008 đều có quy định về kiểm sát THA, song còn chung chung, chưa cụ thể. Quy chế kiểm sát THADS có quy định kiểm sát việc đấu giá tài sản để THA, nhưng kiểm sát thế nào được khi mà chúng tôi không biết và cũng không được mời tham gia vào các phiên bán đấu giá vì pháp luật về BĐGTS không hề quy định điều này… ”.
Mới đây, tại Hội thảo về nâng cao hiệu quả công tác kiểm sát hoạt động BĐGTS, do Viện KSND Tối cao tổ chức tại Quy Nhơn, Viện KSND tỉnh đã kiến nghị: Luật THADS cần phải quy định khi tiến hành BĐGTS để THA, các tổ chức BĐGTS phải chuyển toàn bộ hồ sơ, tài liệu liên quan đến việc bán đấu giá cho Viện KSND trước khi mở cuộc bán đấu giá. Trong các cuộc bán đấu giá, cần có đại diện Viện KSND kiểm sát việc bán đấu giá của các đơn vị BĐGTS và các thành phần tham gia đấu giá, tránh tình trạng thông đồng, dìm giá… Trước mắt, đề nghị Viện KSND Tối cao phối hợp với Bộ Tư pháp có thông tư hướng dẫn về công tác BĐGTS THA và kiểm sát hoạt động BĐGTS THA theo hướng quy định việc BĐGTS THA phải có đại diện Viện kiểm sát để kiểm sát theo quy định của pháp luật.
* Sau 3 năm thực hiện Nghị định 17, các tổ chức bán đấu giá trên địa bàn tỉnh đã ký 93 hợp đồng bán tài sản với cơ quan THADS với số tiền 133 tỉ đồng, đấu giá thành 65 hợp đồng với 44,4 tỉ đồng.
* “…Trong một số vụ việc THADS, tài sản đã đấu giá thành nhưng không giao được nhà cho người trúng đấu giá vì tài sản thực tế có khác so với giấy chứng nhận quyền sở hữu; có trường hợp đấu giá tài sản là vật kiến trúc được xây dựng trên đất thuê của nhà nước. Công tác phối hợp giữa các ngành trong hoạt động BĐGTS chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ nên chưa quan tâm đến công tác thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện xử lý những trường hợp vi phạm…” (Trích Báo cáo kết quả giám sát hoạt động công chứng, chứng thực và BĐGTS trên địa bàn tỉnh năm 2011-2012 của Ban Pháp chế HĐND).
THU HÀ