Các đại biểu thảo luận dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi)
Ngày 13.6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội dành cả ngày để thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).
Toàn cảnh Kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XIV. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) trình Quốc hội lần này về cơ bản đã tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4.
Nhiều quy định của dự thảo Luật đã được sửa đổi nhằm bảo đảm tính khả thi, phù hợp với thực tiễn, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành như quy định về công khai, minh bạch về tổ chức và hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; chế độ họp báo, phát ngôn; quyền yêu cầu cung cấp thông tin; trách nhiệm giải trình; tiêu chí đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng; báo cáo, công khai báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng; tuyên truyền, giáo dục về công tác phòng, chống tham nhũng; quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn; tặng quà và nhận quà tặng; thanh toán qua tài khoản; việc xử lý tham nhũng được phát hiện thông qua hoạt động thanh tra, kiểm toán và nhiều nội dung khác của dự thảo Luật. Bên cạnh đó, một số vấn đề của dự thảo Luật còn nhiều ý kiến khác nhau cần được đánh giá, cân nhắc kỹ lưỡng và tiếp tục xin ý kiến Quốc hội để đảm bảo vừa nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng vừa bảo đảm tính khả thi như quy định về các trường hợp xác minh tài sản, thu nhập; cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập; về xử lý tài sản, thu nhập thực tế lớn hơn tài sản, thu nhập kê khai hoặc tài sản, thu nhập tăng thêm mà người kê khai không giải trình được một cách hợp lý nguồn gốc phần tài sản, thu nhập chênh lệch hoặc tăng thêm; thẩm quyền của cơ quan Nhà nước trong thanh tra, kiểm tra về công tác phòng, chống tham nhũng ở khu vực ngoài nhà nước./.
Theo QUỲNH HOA (TTXVN/VIETNAM+)