Căn cứ đóng thuế thu nhập để xử lý tài sản không rõ nguồn gốc?
Đại biểu Quốc hội đề nghị trong Luật Phòng chống tham nhũng có điều kiện khai thuế thu nhập để làm cơ sở so sánh, xử lý tài sản không rõ nguồn gốc.
Ý kiến khác nhau về xử lý tài sản không rõ nguồn gốc
Thảo luận trên Hội trường về dự án Luật Phòng chống tham nhũng (PCTN) sửa đổi, sáng nay (13.6), nhiều ý kiến bày tỏ quan tâm về nội dung kiểm soát tài sản, thu nhập, đặc biệt là quy định mới đánh thuế thu nhập cá nhân 45% đối với tài sản kê khai không trung thực, tài sản tăng thêm mà không giải trình được nguồn gốc.
Theo đại biểu Bế Minh Đức (Cao Bằng), cán bộ, công chức ngoài lương thì có thể có những khoản thu nhập hợp pháp khác như thù lao giảng dạy, nhưng họ vì lý do nào đó muốn che giấu hoặc quên không kê khai. Xét dưới góc độ luật học thì những khoản thu nhập không được kê khai đầy đủ không thể suy luận là thu nhập bất hợp pháp.
Đồng ý phương án thu thuế, đại biểu Mùa A Vảng (đoàn Điện Biên) nhận định nguồn gốc tài sản rất đa dạng, nhất là những trường hợp thừa kế không có giấy tờ chứng minh. Trường hợp tài sản không giải trình được nguồn gốc thì có thể thu thuế, còn chứng minh được tài sản đó do tham nhũng, phạm tội mà có thì phải xử lý hình sự.
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu
Tranh luận lại quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (đoàn An Giang) nhấn mạnh các khoản thu nhập hiện nay từ buôn bán, thừa kế, cho tặng, trúng xổ số… đều kê khai thuế thu nhập cá nhân và việc này được quản lý khá chặt chẽ. Tại sao chúng ta không thiết kế thêm điều kiện phải khai thuế thu nhập hàng năm với những vị trí có nguy cơ tham nhũng để có cơ sở so sánh.
“Công khai để người dân biết thì dễ giám sát, không có lý do gì chỉ đóng thuế thuế thu nhập từ 1-2 triệu/năm mà mua được nhà, xe” – ông Nguyễn Lân Hiếu nói.
Lập cơ quan kiểm soát tài sản thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội?
Bày tỏ đồng tình với dự thảo luật trong việc giao cơ quan thanh tra tập trung kiểm soát tài sản, nhưng đại biểu Đỗ Văn Bình (đoàn Hải Phòng) băn khoăn với bộ máy, nhân lực hiện nay thì liệu có thực sự hiệu quả?.
Còn theo đại biểu Cao Thị Xuân (đoàn Thanh Hoá) đề nghị, trong bối cảnh tham nhũng còn nghiêm trọng, phức tạp, Đảng và Nhà nước ta thể hiện quyết tâm cao và đang tìm kiếm những giải pháp đột phá thì việc nghiên cứu thành lập cơ quan độc lập để kiểm soát tài sản, thu nhập của quan chức là cần thiết.
Đại biểu Cao Thị Xuân
"Đây có thể coi là khoản đầu tư xứng đáng cho hoạt động phòng chống tham nhũng trong giai đoạn hiện nay và tương lai", bà Cao Thị Xuân nêu ý kiến.
Đồng tình với phân tích của đại biểu Cao Thị Xuân, ông Nguyễn Văn Pha nhấn mạnh, hiện có lực lượng phòng chống tham nhũng thuộc Thanh tra, Viện kiểm sát và công an. Nếu thành lập cơ quan mới thì có thể lấy lực lượng từ những đơn vị này sẽ đảm bảo vừa có chuyên môn, kinh nghiệm và đặc biệt là không làm tăng biên chế.
"Tôi đề nghị thành lập cơ quan chuyên trách kiểm soát tài sản, thu nhập và cơ quan này trực thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội", ông Nguyễn Văn Pha kiến nghị./.
Nên có danh hiệu “Dũng sĩ diệt tham nhũng”?
Đại biểu Nguyễn Bắc Việt (đoàn Ninh Thuận) cho biết, cử tri và nhân dân rất mừng về quyết tâm phòng chống tham nhũng của Đảng và hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương về công tác này, của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương. “Cử tri nhân dân mong muốn Đảng tiếp tục cương quyết, kiên trì tiêu diệt tham nhũng, xử lý nghiêm minh, thu hồi tài sản” – ông Nguyễn Bắc Việt nói và đề nghị nghiên cứu đổi tên luật thành “Luật phòng, trừ tham nhũng”.
Cũng theo vị đại biểu này, Luật đề cập vấn đề khen thưởng chưa rõ và theo ông nên có danh hiệu “Dũng sĩ diệt tham nhũng”.
Theo Ngọc Thành (VOV.VN)