"Tự chủ đại học không có nghĩa là để các trường tự lo, tự bơi"
Việc đẩy mạnh tự chủ đại học là một trọng tâm then chốt cần được giải quyết triệt để và khả thi trong sửa đổi Luật Giáo dục đại học lần này.
Góp ý vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, đại biểu Triệu Thế Hùng (Lâm Đồng) cho rằng, cần thiết phải đẩy mạnh tự chủ đại học, đây là một trọng điểm, trọng tâm then chốt cần được giải quyết triệt để và khả thi ở lần sửa đổi Luật Giáo dục đại học lần này.
Theo đại biểu Triệu Thế Hùng, dự thảo đã đẩy mạnh hơn về vấn đề tự chủ về nhân sự cũng như tự chủ về tài chính.
Tuy nhiên, đại biểu cũng đề nghị bổ sung về vấn đề tự chủ về học thuật. Ông Hùng lý giải, giáo dục đại học là lĩnh vực lao động trí tuệ với hàm lượng chất xám cao, vì thế đòi hỏi rất cao về tư duy khai phóng, sáng tạo của cả thầy và trò.
Theo đại biểu, cần hiểu tự chủ học thuật là quyền tự do để theo đuổi chân lý khoa học mà giáo chức đại học trong dạy và học cũng như nghiên cứu để tạo ra tri thức mới đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, tiến bộ xã hội.
Đại biểu Triệu Thế Hùng. (Ảnh: Quochoi.vn)
Mặt khác, đại biểu này cho rằng việc thực hiện quyền tự chủ của các trường đại học trong thực tiễn hiện nay còn bị hạn chế bởi rất nhiều những luật khác, như luật về viên chức, về ngân sách, đất đai, đầu tư công.
“Bài toán về tự chủ giáo dục đại học thì không thể chỉ giải quyết ở trong một đạo luật mà còn được điều chỉnh bởi cả một hệ thống pháp luật liên quan đến giáo dục đại học, rất mong Quốc hội ủng hộ để có một hệ thống pháp luật đồng bộ sao cho tự chủ đại học được thực chất và đi và cuộc sống”- đại biểu Hùng nói.
Đại biểu Nguyễn Thị Lan (Hà Nội) cho rằng, trong dự thảo luật đã có các Điều 64, 65, 66 về cơ chế tài chính để phù hợp với tự chủ đại học vẫn muốn nhấn mạnh thêm về quan điểm tự chủ tài chính và đầu tư cho đại học.
Đại biểu Nguyễn Thị Lan.
Theo bà Lan, Luật phải cụ thể hóa được chủ trương giáo dục là quốc sách hàng đầu, trường đại học là trung tâm của đổi mới sáng tạo để ưu tiên đầu tư nguồn lực cho đúng hướng.
Luật cần phải thể hiện được quan điểm tự chủ không có nghĩa là để các trường đại học tự lo, tự bơi. Không phải Nhà nước cắt kinh phí đầu tư mà chỉ thay đổi cách đầu tư cho hiệu quả hơn.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp), quyền tự chủ không có mục đích tự thân mà mục đích của nó là để nhà trường nâng cao chất lượng đào tạo.
Việc trao quyền tự chủ cho trường đại học là một quá trình, trong đó năng lực giải trình của cơ sở giáo dục phải gắn với những điều kiện cụ thể và chỉ khi nào cơ sở giáo dục đại học bảo đảm các điều kiện nhất định thì mới được trao quyền tự chủ.
“Đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu thể hiện lại khái niệm trong khoản 6 Điều 4 và thiết kế các quy định tại Điều 32 theo hướng làm rõ cơ chế tự chủ đại học bao gồm cả tự chủ học thuật, tự chủ tài chính, tự chủ về nhân sự, làm rõ các điều kiện bảo đảm để thực hiện quyền tự chủ, làm rõ các yêu cầu, nội dung và phương thức thực hiện trách nhiệm giải trình”- đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa nói.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ.
Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ, quá trình tự chủ phải thực hiện có lộ trình theo từng bước. Hiện nay, Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo thí điểm 23 cơ sở giáo dục đại học tự chủ theo Quyết định 77, tiếp tục sang một giai đoạn về tự chủ cao hơn có nghĩa là bộ chủ quản. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trình Chính phủ thí điểm 3 trường theo cơ chế bỏ chủ quản.
“Chúng tôi đẩy mạnh quá trình thực hiện tự chủ theo hướng không chủ quản, rất mong các bộ, ngành khác thực hiện để làm sao tự chủ phải thực sự thực chất để hạn chế can thiệp hành chính. Tất nhiên, trong quá trình tự chủ phải bao gồm quá trình giám sát chất lượng và có lộ trình, không có nghĩa tự chủ là nhà nước không có trách nhiệm về tài chính, có đầu tư, có nhiều chính sách về học bổng, học phí và miễn học phí, đặc biệt là có những chính sách đặt hàng, đặt bài theo nhu cầu của nhà nước. Những ngành có tính đặc thù nhà nước vẫn phải đặt hàng theo nhu cầu của xã hội và chất lượng của đào tạo”- Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết./.
Theo Thy Hạt (VOV.VN)