Cần biện pháp mạnh để phòng ngừa tham nhũng
Thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) sửa đổi vào sáng 13.6, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lý Tiết Hạnh cho rằng, kiểm soát dòng tiền mặt lưu thông trên thị trường, thực hiện thanh toán qua tài khoản công khai, minh bạch là biện pháp mạnh để phòng ngừa tham nhũng.
Tại phiên thảo luận, nhiều ý kiến tiếp tục bày tỏ quan tâm về các quy định kiểm soát tài sản, thu nhập, đặc biệt là quy định mới đánh thuế thu nhập cá nhân 45% đối với tài sản kê khai không trung thực, tài sản tăng thêm mà không giải trình được nguồn gốc.
ĐB Lý Tiết Hạnh phát biểu thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi vào sáng 13.6.
Xác định rõ trách nhiệm, quyền hạn trong PCTN
Theo Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lý Tiết Hạnh, Dự thảo Luật PCTN là một dự án luật lớn, có tác động trực tiếp trong suốt quá trình thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức cũng như việc quản lý, điều hành của các cơ quan, đơn vị và có liên quan đến nhiều luật khác. Trong đó, ba yếu tố: phòng ngừa, phát hiện và xử lý vi phạm luôn có mối quan hệ chặt chẽ, biện chứng với nhau, nếu làm tốt yếu tố này sẽ góp phần tác động ảnh hưởng tốt đến các yếu tố khác.
ĐB Hạnh cho rằng, Dự thảo luật tập trung vào việc đề ra các quy định nhằm phòng ngừa tham nhũng và xử lý các hành vi vi phạm đối với người có chức vụ, quyền hạn. Trong khi đó, việc xác định trách nhiệm, giao quyền cho người đứng đầu trong công tác PCTN lại chưa rõ. Quan tâm đến cơ chế phòng ngừa và phát hiện tham nhũng, trách nhiệm của công dân, Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư cộng đồng trong công tác PCTN được quy định tại Điều 93 dự thảo luật là rất quan trọng. Tuy nhiên, dự thảo lại quy định chưa rõ nét, nên khó phát huy được vai trò to lớn của người dân trong công tác PCTN, ĐB Hạnh kiến nghị cần cụ thể hóa hơn vấn đề nêu trên.
ĐB Lý Tiết Hạnh cũng thống nhất với quy định về công tác kiểm tra được quy định tại Điều 60 của dự thảo Luật, vì công tác kiểm tra, tự kiểm tra là một nội dung rất quan trọng trong chủ động phòng ngừa tham nhũng. Về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị và người đứng đầu… được quy định tại Điều 4 của dự thảo Luật chưa rõ nét, ĐB Hạnh nêu ý kiến: “Nếu trách nhiệm không đi liền với quyền và điều kiện môi trường để tạo cho người dân cũng như những người có trách nhiệm thực hiện tốt nhiệm vụ của mình thì làm sao có thể thực hiện trách nhiệm một cách thuận lợi và đầy đủ được”. Bà kiến nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu thêm nội dung này để sửa đổi, bổ sung vào các Điều 4, Điều 86 và Điều 93 của dự thảo luật, nhằm cụ thể hóa hơn nữa trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong phòng, chống tham nhũng.
Phải kiểm soát tình trạng tẩu tán tài sản
Đồng tình với dự thảo luật về quy định kê khai tài sản, song ĐB Lý Tiết Hạnh cho rằng việc tổ chức thực hiện kê khai tài sản trong PCTN hiện nay chưa gắn với phòng, chống lãng phí, vì theo bà: “đẩy mạnh cải cách hành chính, PCTN là một vấn đề quan trọng như phòng, chống lãng phí, đây là một giải pháp quan trọng, nhưng chúng ta phải đầu tư rất nhiều nguồn lực, thời gian và công sức của tổ chức bộ máy vào vấn đề này mà hiệu quả thì ở mức độ nào đó vẫn có những kẽ hở, như vậy thì sẽ lãng phí”.
Vì vậy, ĐB Hạnh đề nghị xem xét cụ thể các quy trình trong việc kê khai tài sản cần phải chặt chẽ hơn, tránh tình trạng có những cán bộ, công chức trong các bảng kê khai hàng năm không thay đổi, nhưng vẫn phải làm bản kê khai, trong khi đó có những trường hợp rõ ràng phát sinh tài sản nhưng việc kiểm soát không kịp thời, kê khai không rõ, thậm chí có trường hợp tẩu tán tài sản, hợp thức hóa tài sản với nhiều hình thức khác thì chúng ta vẫn chưa kiểm soát được. Đây là một nội dung rất quan trọng nên đề nghị cần thực chất, hiệu quả, đúng và sát với tình hình thực tế.
Thống nhất chuyển đổi mô hình quản lý kê khai tài sản thu nhập từ mô hình quản lý phân tán sang mô hình quản lý tập trung; tuy nhiên, theo ĐB Hạnh cần phải nghiên cứu các quy định đồng bộ, có thể quy định cả ở những luật khác nhằm kiểm soát được thu nhập của toàn xã hội như các nước đã làm và đẩy mạnh việc kiểm soát dòng tiền mặt lưu thông trên thị trường, thực hiện thanh toán qua tài khoản công khai, minh bạch và xem đây là biện pháp mạnh để phòng ngừa tham nhũng, nhất là khu vực công.
Góp ý về một số câu từ trong dự thảo Luật, ĐB Hạnh đề nghị Ban soạn thảo cần rà soát lại một số điều luật để tránh trùng lắp, chồng chéo, làm sao để luật ngắn gọn, dễ hiểu, khả năng thực thi, áp dụng pháp luật hiệu quả. ĐB Hạnh cho rằng một số khái niệm trong dự thảo luật chưa mang tính pháp lý cao, bà dẫn chứng: “tại Điều 110 về xử lý người đưa hối lộ và của hối lộ khi bị ép buộc hay chủ động khai báo mới, dự thảo luật quy định “toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ”, chưa thực sự là ngôn ngữ của văn bản pháp luật. Thêm nữa, khoản 1, 2 điều này quy định: “không loại trừ việc xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức, người đang phục vụ trong Quân đội nhân dân và Công an nhân dân” là mâu thuẫn với nguyên tắc xử lý tham nhũng, đó là: người có hành vi tham nhũng ở bất kỳ cương vị nào đều phải bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật…” đã được quy định cụ thể tại Điều 107 và Điều 122 của dự thảo Luật.
SỸ NGUYÊN