Đập phá tài sản Nhà nước có khung hình phạt lên tới tử hình
Vừa qua, tại tỉnh Bình Thuận xảy ra việc một số người quá khích đã đập phá tài sản, phá hoại cơ sở vật chất kỹ thuật của Nhà nước. Hành vi này có thể cấu thành tội phạm theo quy định của Bộ Luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi bổ sung năm 2017.
Điều 178 Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi bổ sung năm 2017 về tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản, quy định: phạt tiền từ 10 triệu đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm đối với người có hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2 triệu đến 50 triệu đồng, hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây: đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm; đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại Điều 168, 169, 170, 171, 172, 174, 175 và 290 của bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là di vật, cổ vật.
Trong trường hợp người có hành vi phạm tội sử dụng chất nguy hiểm về cháy nổ hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác, thì có thể bị áp dụng khung hình phạt cao hơn, là từ 2 năm đến 7 năm tù, hoặc khung hình tối đa 20 năm tù trong trường hợp tài sản bị thiệt hại có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên. Nếu tài sản bị phá hoại là cơ sở vật chất kỹ thuật của Nhà nước, căn cứ Điều 114 Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi bổ sung năm 2017 về tội phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, người có hành vi phạm tội nếu nhằm chống chính quyền nhân dân mà phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam trong các lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh, kinh tế, khoa học - kỹ thuật, văn hóa, xã hội, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Luật sư PHAN VŨ TUẤN (Văn phòng luật sư Phan Law Vietnam)
Theo SGGP