Quốc hội thừa nhận quy định bơi là môn bắt buộc chính khóa là khó khả thi
Sáng nay (14.6), Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật TDTT với tỷ lệ 93,84% tổng số đại biểu tán thành.
Trước khi biểu quyết thông qua toàn bộ dự thảo luật, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Điều 32 về Quyền và nghĩa vụ của vận động viên thể thao thành tích cao. Theo đó, có 459 đại biểu tán thành (94,25%), không có đại biểu không tán thành, 2 đại biểu không biểu quyết (0,41%).
Đối với toàn bộ dự thảo Luật có 457 đại biểu tán thành (93,84%), 1 đại biểu không tán thành (0,21%) và 2 đại biểu không biểu quyết (0,41%).
Tỷ lệ biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao.
Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình cho biết, về việc phát triển môn bơi, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, bơi không chỉ là môn thể thao rèn luyện sức khỏe, thể chất mà còn là kỹ năng sinh tồn. Tuy nhiên, với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta hiện nay, việc quy định bơi là môn bắt buộc trong chương trình chính khóa là khó khả thi.
Hầu hết các trường chưa có bể bơi, giáo viên dạy bơi. Việc tổ chức cho học sinh học bơi sẽ làm phát sinh chi phí, tạo gánh nặng cho học sinh, phụ huynh và nhà trường, đặc biệt đối với vùng sâu, vùng xa, miền núi.
Để đảm bảo tính khả thi của điều luật, tạo điều kiện thuận lợi phát triển môn bơi, Dự thảo đã quy định trách nhiệm của nhà nước và nhà trường trong việc ưu tiên phát triển môn bơi (khoản 3 Điều 4; khoản 1 Điều 21; khoản 6 Điều 22). Bên cạnh đó, Dự thảo cũng quy định trách nhiệm của Bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định trách nhiệm phối hợp của cơ sở thể thao công lập do mình quản lý với cơ sở giáo dục để sử dụng công trình thể thao phục vụ giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trong nhà trường (khoản 5 Điều 21).
Đại biểu Quốc hội ấn nút biểu quyết thông qua dự án luật.
Về đất đai dành cho thể thao (Điều 65), do còn có ý kiến khác nhau, được sự đồng ý của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Tổng thư ký Quốc hội gửi Phiếu xin ý kiến Quốc hội. Kết quả Phiếu xin ý kiến cho thấy, trong số 441 đại biểu trả lời, có 260 đại biểu (chiếm 58,96%) tán thành quy định bổ sung khu công nghiệp, khu công nghệ cao phải dành quỹ đất để xây dựng công trình thể thao.
Trên cơ sở ý kiến của đa số đại biểu và đảm bảo tính thống nhất với Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14, Luật Quy hoạch đô thị số 30/2009/QH12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉnh lý khoản 1 Điều 65 như sau: Trong quy hoạch, các dự án xây dựng trường học, khu đô thị, khu dân cư, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, doanh trại đơn vị vũ trang nhân dân phải dành quỹ đất để xây dựng công trình thể thao theo quy định của Chính phủ.
Về quyền và nghĩa vụ của vận động viên thể thao thành tích cao (Điều 32), có ý kiến đề nghị bổ sung cụm từ “thi đấu thể thao” vào điểm c khoản 1 Điều 32. Tiếp thu ý kiến đại biểu, nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng cho vận động viên thể thao thành tích cao, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh sửa lại quy định tại điểm c khoản 1 Điều 32 như sau: “c) Được hưởng chế độ dinh dưỡng đặc thù, tiền lương, tiền hỗ trợ tập luyện, thi đấu thể thao theo quy định của pháp luật;”.
Có ý kiến đề nghị thay cụm từ "chế độ trợ cấp" bằng cụm từ "chế độ tai nạn lao động" tại điểm i khoản 1 Điều 32 để bảo đảm chính xác, cụ thể hơn. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy: theo quy định của pháp luật về lao động và bảo hiểm, chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là một trong năm chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Để đảm bảo tính thống nhất với Bộ luật Lao động số 10/2012/QH13, Luật Bảo hiểm xã hội số 58/2014/QH13, Luật An toàn, vệ sinh lao động số 84/2015/QH13, điểm đ khoản 1 Điều 32 dự thảo Luật đã quy định vận động viên có quyền được tham gia và hưởng các chế độ về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp…
Tuy nhiên, nhằm đảm bảo quyền lợi tốt hơn cho vận động viên, khuyến khích vận động viên yên tâm luyện tập, thi đấu đóng góp cho thể thao nước nhà, Dự thảo quy định vận động viên đội tuyển quốc gia, vận động viên đội tuyển tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, ngành bị tai nạn trong quá trình tập luyện, thi đấu thể thao làm mất khả năng lao động hoặc chết thì vận động viên, thân nhân của họ được hưởng chế độ trợ cấp theo quy định của pháp luật (tại điểm i khoản 1 Điều 32). Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin được giữ như Dự thảo./.
Theo Thy Hạt (VOV.VN)