Băn khoăn về quy định tiêu chuẩn công an xã
Ngày 14.6, kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV thảo luận tại hội trường về dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi). Một trong những điểm quan trọng của dự án Luật sửa đổi lần này là quy định CA xã là lực lượng chính quy đã nhận được 29 ý kiến phát biểu, tranh luận.
Theo Bộ CA, số đơn vị CA xã, thị trấn đã được bố trí CA chính quy là 1.065; số đơn vị chưa được bố trí chính quy còn 8.516. Để xây dựng CA xã, thị trấn chính quy, Bộ CA sẽ điều động khoảng 25.000 CA chính quy trong biên chế hiện có (không tăng thêm biên chế) xuống đảm nhận các chức danh CA xã.
Trình độ trung cấp “chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ”
Theo Dự thảo, tiêu chuẩn bằng cấp của CA xã là trung cấp. Đại biểu (ĐB) Nguyễn Văn Cảnh (Đoàn Bình Định) cho rằng với trình độ trung cấp chưa thể đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ theo Pháp lệnh CA xã và đòi hỏi ngày càng cao hơn về sau. “Việc đảm bảo ANTT ở địa bàn của xã thì trình độ chuyên môn trung cấp có thể phù hợp, nhưng lại rất khó để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của công dân trong hoạt động hàng ngày”, ông Cảnh bày tỏ.
ĐB Nguyễn Văn Cảnh phát biểu thảo luận.
Vì vậy, ĐB Cảnh đề nghị các văn bản hướng dẫn Luật sau này cần quy định CA xã có trình độ chuyên môn từ cao đẳng trở lên. Trong trường hợp trình độ chuyên môn là trung cấp thì phải có ít nhất một bằng cấp khác có trình độ từ cao đẳng trở lên. Với địa bàn chưa bố trí được người đủ các tiêu chuẩn cần thiết thì cần lấy ý kiến của cộng đồng và HĐND cấp xã về phân công vị trí trưởng CA xã.
Nhiều ý kiến khác cũng bày tỏ băn khoăn về quy định trình độ chuyên môn của CA xã. ĐB Nguyễn Quang Dũng (Đoàn Quảng Nam) phân tích, CA xã khi thực hiện quyền tư pháp, nếu không có nhận thức, trang bị kiến thức tư pháp chính quy sẽ dễ dẫn đến xâm phạm quyền con người.
Còn ĐB Hoàng Thị Thu Trang (Đoàn Nghệ An) thì cho rằng: Đội ngũ CA xã nếu không được đào tạo nghiệp vụ bài bản, trong tay lại được trang bị những vũ khí và công cụ hỗ trợ như súng trường, súng tiểu liên, bình xịt hơi cay, roi điện, dùi cui... thì sẽ không tránh khỏi những vấn đề liên quan đến quyền con người. “Và thực tế thời gian qua, đã xảy ra nhiều sai phạm làm ảnh hưởng đến quyền con người, quyền công dân và ảnh hưởng đến uy tín của Nhà nước”, ĐB Trang nói.
Đảm bảo tính thống nhất giữa các luật
Hiến pháp 2013 tại Điều 68 quy định: “Xây dựng công nghiệp quốc phòng, an ninh, bảo đảm trang bị cho lực lượng vũ trang nhân dân kết hợp quốc phòng, an ninh với kinh tế, kinh tế với quốc phòng, an ninh”. Luật Quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ tại Điều 17 cũng đã quy định: “Tổ chức, DN thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ CA được nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu, sửa chữa vũ khí, tổ chức DN khác khi có đủ điều kiện được tham gia nghiên cứu chế tạo, sản xuất, sửa chữa vũ khí và Chính phủ quy định chi tiết điều này”. Như vậy, Quốc hội đã luật hóa Hiến pháp một phần về công nghiệp quốc phòng và an ninh. ĐB Nguyễn Văn Cảnh đồng ý dự thảo Luật Công an nhân dân (sửa đổi) có quy định về công nghiệp an ninh tại Điều 35. Tuy nhiên, ông đề nghị Ban soạn thảo cần đối chiếu với Điều 17 của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, Điều 12 của Luật Quốc phòng (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp này để đảm bảo tính thống nhất giữa các luật.
Về quy định tuyển chọn công dân vào lực lượng Công an nhân dân (tại khoản 2 Điều 6), ĐB Cảnh cho rằng Luật cần cụ thể hóa tiêu chí “có năng khiếu phù hợp” để tránh trường hợp nhận xét theo cảm tính.
Ngoài ra, để góp phần giáo dục lý tưởng sống, phẩm chất và định hướng mục tiêu hành động của người chiến sĩ Công an nhân dân, ĐB Cảnh đề nghị sửa đổi, bổ sung Điều 5 về ngày truyền thống Công an nhân dân theo hướng quy định: “Ngày 19.8 hàng năm là ngày Truyền thống của Công an nhân dân, là ngày nêu gương chiến sĩ CA vì nước quên thân, vì dân phục vụ và là ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”.
Chiều 14.6, Quốc hội thảo luận Dự án Luật Chăn nuôi. Tại đây, ÐB Huỳnh Cao Nhất (Ðoàn Bình Ðịnh) kiến nghị cần rà soát các Luật Ðầu tư, Luật Ða dạng sinh học, Luật Quản lý ngoại thương… liên quan trực tiếp đến vấn đề chăn nuôi để đảm bảo tính thống nhất giữa Luật Chăn nuôi với hệ thống pháp luật hiện hành.
ÐB Nhất đề nghị ban soạn thảo thể hiện cô đọng và rõ ràng hơn đối với các quy định về chính sách của Nhà nước về chăn nuôi trong dự thảo Luật. Ông phân tích: “Ngành chăn nuôi hiện nay nhìn chung còn nhỏ lẻ, chăn nuôi quy mô hộ gia đình chiếm tới 60 - 70%, thường chịu rủi ro rất cao do không kiểm soát được môi trường chăn nuôi, dịch bệnh, giá cả, an toàn thực phẩm, khó khăn trong áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại. Ðể phát triển lên sản xuất lớn, tập trung và theo hướng sản xuất hàng hóa, công nghiệp thì cần những chính sách rõ ràng của Nhà nước”.
MAI LÂM - SỸ NGUYÊN