Tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính: Tạo thuận lợi tối đa cho người dân
Ngày 21.6 tới đây, Nghị định 61/2018/NÐ-CP quy định về việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân sẽ chính thức có hiệu lực. Với nhiều điểm mới, Nghị định này sẽ tạo thuận lợi tối đa cho tổ chức, cá nhân xuyên suốt quá trình tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính.
Nghị định 61/2018/NĐ-CP được ban hành ngày 23.4.2018, thay thế Quyết định 09/2015/QĐ-CP ngày 25.3.2015 ban hành Quy chế thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) tại cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương.
Mở rộng các hình thức tiếp nhận hồ sơ
Nghị định 61/2018/NĐ-CP đã điều chỉnh một số quy định theo hướng tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân, DN trong giải quyết TTHC và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong việc giải quyết TTHC. Đầu tiên là cho phép người dân, DN nộp hồ sơ một số TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp bộ tại Trung tâm Hành chính công (TTHCC) tỉnh. Tại địa phương, người dân có thể nộp hồ sơ thuộc thẩm quyền giải quyết cấp tỉnh tại TTHCC hoặc bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện, xã đối với một số thủ tục liên thông, tạo thuận lợi cho người dân, cắt giảm chi phí đi lại, chờ đợi.
Người dân sẽ có nhiều lựa chọn khi nộp hồ sơ TTHC.
- Trong ảnh: Người dân nộp hồ sơ TTHC tại bộ phận Một cửa của UBND phường Nhơn Bình, TP Quy Nhơn.
Bên cạnh đó, mở rộng các hình thức tiếp nhận hồ sơ TTHC, có thể nộp trực tiếp tại bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả (bộ phận Một cửa), TTHCC; nộp trực tuyến qua mạng (bằng cách scan hồ sơ và đăng ký nộp qua Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh, bộ). Cuối cùng là nộp qua dịch vụ bưu chính công ích.
Đặc biệt, Nghị định quy định rõ trách nhiệm phối hợp, cho ý kiến về hồ sơ TTHC giữa các cơ quan, ban ngành, địa phương và trung ương. Yêu cầu đặt ra là phải xác định rõ thời gian và kiểm soát, ghi nhận quá trình giải quyết TTHC trên Hệ thống phần mềm Một cửa điện tử. Từ đây, chia sẻ và cho phép kết nối khai thác dữ liệu chuyên ngành giữa cơ quan trung ương và địa phương trong quá trình xác minh - khai thác - cập nhật thông tin hồ sơ TTHC, cắt giảm thời gian xử lý hồ sơ đối với các thủ tục trên lĩnh vực đăng ký kinh doanh, giao thông vận tải...
“Việc Nghị định 61/2018/NÐ-CP quy định rõ những hành vi không được làm trong giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông sẽ tác động tích cực đến ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong tiếp nhận và giải quyết TTHC cho người dân, DN. Cụ thể như không được cửa quyền, sách nhiễu, gây phiền hà cho tổ chức, cá nhân thực hiện TTHC; cản trở tổ chức, cá nhân lựa chọn hình thức nộp hồ sơ, nhận, trả kết quả giải quyết TTHC theo quy định của pháp luật; cản trở hoặc ngăn chặn trái phép quá trình truyền, gửi, nhận dữ liệu điện tử…”.
Ông NGUYỄN THANH VŨ, Quyền Trưởng phòng Cải cách hành chính, Sở Nội vụ
Theo Quyền Trưởng phòng Cải cách hành chính (Sở Nội vụ) Nguyễn Thanh Vũ, Nghị định 61/2018/NĐ-CP yêu cầu các cơ quan giải quyết TTHC các cấp lấy sự hài lòng của tổ chức, cá nhân là thước đo chất lượng và hiệu quả phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức và cơ quan có thẩm quyền.
“Việc giải quyết TTHC cho tổ chức, cá nhân theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông được quản lý tập trung, kịp thời, thuận tiện, công khai, đúng pháp luật và có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan có thẩm quyền. Toàn bộ quá trình giải quyết TTHC được đôn đốc, kiểm tra, giám sát, đánh giá bằng nhiều phương thức khác nhau trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và có sự tham gia của tổ chức, cá nhân”, ông Vũ nhận định.
Thể chế hóa quy định về TTHCC
Sau thời gian thí điểm vận hành mô hình TTHCC tại một số địa phương trên cả nước, Nghị định 61/2018/NĐ-CP đã thể chế hóa chính thức quy định về tổ chức TTHCC, là cơ sở pháp lý quan trọng đối với việc thành lập Trung tâm, thống nhất về tên gọi, vị trí, chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm trong cả nước.
Đoàn kiểm tra cải cách hành chính của tỉnh kiểm tra việc công khai thủ tục hành chính tại UBND xã Hoài Hảo, huyện Hoài Nhơn. Ảnh: Văn Trang
Ông Nguyễn Thanh Vũ cho biết, theo quy định tại Nghị định thì bộ phận Một cửa là tên gọi chung của bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC hoặc Trung tâm Phục vụ hành chính công. Đối với cấp tỉnh, UBND tỉnh quyết định thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công là đơn vị hành chính đặc thù thuộc Văn phòng UBND cấp tỉnh, có con dấu để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Cơ sở vật chất, trụ sở, trang thiết bị, máy móc, kỹ thuật của Trung tâm Phục vụ hành chính công do Văn phòng UBND tỉnh bảo đảm và quản lý. Trong trường hợp tỉnh chưa đủ điều kiện tổ chức Trung tâm Phục vụ hành chính công, thì tại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, người đứng đầu quyết định thành lập bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả thuộc văn phòng cơ quan chuyên môn đó.
Trên thực tế, những năm qua, một số địa phương đã thành lập thí điểm TTHCC và mang lại hiệu quả tích cực như Quảng Ninh, Thái Bình, Bình Phước, Đồng Nai… Tại Bình Định, nhiệm vụ thành lập TTHCC vẫn được đề cập trong kế hoạch thực hiện cải cách hành chính hằng năm do UBND tỉnh ban hành. Tuy nhiên, cuối năm 2017, Chính phủ đã có ý kiến tạm dừng thành lập mới TTHCC cấp tỉnh để đánh giá cụ thể mô hình này. Đến nay, với sự ra đời của Nghị định 61/2018/NĐ-CP, việc xúc tiến thành lập TTHCC cấp tỉnh có thêm động lực để “tăng tốc”.
“Việc thành lập trung tâm phục vụ hành chính công tập trung kết nối từ tỉnh, huyện đến xã là cấp thiết. Đồng thời, phải chuyển cơ quan “quản lý” thành cơ quan “phục vụ”, nâng cao hiệu quả cải cách hành chính, giảm phiền hà cho người dân”, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Kim Toàn từng nhấn mạnh như vậy khi nói về sự tụt hạng chỉ số cải cách hành chính của tỉnh trong năm 2017 tại một buổi tiếp xúc cử tri gần đây.
NGUYỄN VĂN TRANG