Kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở khám chữa bệnh: Cần có lộ trình phù hợp với thực tế
Quyết định số 3916/QÐ-BYT của Bộ Y tế ngày 28.8.2017 về việc phê duyệt hướng dẫn kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được các cơ sở y tế trong cả nước áp dụng. Tuy nhiên, khi điều kiện về trang thiết bị còn nhiều thiếu thốn, quyết định này vô tình “gây khó” cho cả nhân viên y tế lẫn bệnh nhân.
Áp lực ở tuyến trên
Theo bác sĩ Huỳnh Thị Vân, Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, BVĐK tỉnh, Quyết định số 3916/QĐ-BYT của Bộ Y tế có thể đã được đưa ra sau khi có sự cố về nhiễm khuẩn ở BVĐK Hà Giang cách đây vài năm. Tuy nhiên, việc xác định bệnh nhân có bị lây nhiễm chéo hay không trong số các trường hợp đó vẫn rất khó. Bởi có người được phẫu thuật nội soi, có người mổ hở… Từ đó, việc quy định quy trình xử lý dụng cụ, thiết bị nội soi có một số thay đổi so với trước.
Quy trình xử lý dụng cụ phẫu thuật nội soi của Bộ Y tế được cho là chưa phù hợp với thực tế ở nhiều cơ sở y tế.
- Trong ảnh: Một ca phẫu thuật nội soi tại BVĐK tỉnh.
Bác sĩ Phạm Văn Phú, Trưởng khoa Ngoại Tổng hợp, BVĐK tỉnh, cho biết: Quy định mới khiến thời gian xử lý khử khuẩn dụng cụ phẫu thuật nội soi dài hơn trước rất nhiều. Điều này ảnh hưởng lớn đến tần suất thực hiện các ca phẫu thuật cho bệnh nhân. Bởi dụng cụ, thiết bị phẫu thuật nội soi rất đắt tiền, các bệnh viện khó trang bị nhiều bộ dụng cụ để sử dụng luân phiên, trong khi chờ khử trùng những thiết bị khác. Theo thông tin tôi được biết, nhiều bệnh viện tuyến trung ương, nơi được đầu tư nhiều trang thiết bị hơn, còn gặp khó khăn với quy định mới này huống gì các bệnh viện tuyến tỉnh. Nếu làm đúng theo quy trình, chúng ta phải lùi thời gian phẫu thuật cho bệnh nhân so với trước, điều này có thể gây hiểu nhầm, rằng nhân viên y tế gây khó dễ. Còn thực hiện theo cách chúng ta đã áp dụng trước đây thì lại bị cho là sai quy trình, phải chịu trách nhiệm nếu sự cố xảy ra.
Theo bác sĩ Phú, quy định của Bộ Y tế góp phần giảm nguy cơ lây nhiễm cho bệnh nhân, nhưng hầu hết bệnh viện áp dụng quy trình cũ cũng chưa xảy ra sự cố nào đáng báo động. Do vậy, cần có lộ trình để các cơ sở y tế tăng cường trang thiết bị, đảm bảo phục vụ bệnh nhân mới nên áp dụng, tránh tạo ra những khó khăn cho cả đội ngũ nhân viên y tế lẫn bệnh nhân.
Tuyến huyện ít chịu ảnh hưởng
Bác sĩ Võ Thị Minh Hương, Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, BVĐK khu vực Bồng Sơn (huyện Hoài Nhơn), cho biết: Hiện đơn vị chỉ có thiết bị nội soi chẩn đoán tai mũi họng và các dụng cụ phẫu thuật nội soi dùng để xử lý các ca ruột thừa viêm, u nang buồng trứng, sỏi túi mật… Riêng thiết bị nội soi chẩn đoán tiêu hóa đã hỏng, không sử dụng được. Quy trình xử lý thiết bị nội soi chẩn đoán theo quy định mới của Bộ Y tế không có nhiều thay đổi so với quy trình trước đây, chủ yếu sử dụng hóa chất để ngâm. Trong khi đó, với thiết bị nội soi phẫu thuật, Bộ Y tế hướng dẫn theo hai cách: hấp nhiệt độ thấp và ngâm hóa chất. Tuy nhiên, thời gian hấp dụng cụ mất khoảng 10 giờ/mẻ, hầu hết đều chọn cách ngâm hóa chất (thời gian thực hiện toàn bộ quy trình khoảng 2 giờ). Một lý do nữa khiến các bệnh viện tuyến huyện chọn phương án ngâm hóa chất là do giá tủ hấp rất cao, thời gian “quay vòng” dụng cụ quá dài, ảnh hưởng đến công tác phẫu thuật cho bệnh nhân. Tuy nhiên, do số lượng bệnh nhân phẫu thuật nội soi hàng ngày còn ít, bệnh viện chưa chịu nhiều áp lực trong việc xử lý khử khuẩn thiết bị phẫu thuật nội soi.
Tương tự như vậy, ở TTYT An Nhơn mỗi ngày chỉ phẫu thuật cho 1-2 bệnh nhân bằng phương pháp nội soi. Do đó, việc xử lý dụng cụ vẫn được đảm bảo đúng quy định do Bộ Y tế ban hành. Bác sĩ CKII Lê Thái Bình, Giám đốc TTYT An Nhơn, cho biết: “Quy định của Bộ Y tế không sai, bởi thực hiện đúng quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn sẽ giúp giảm thiểu khả năng lây nhiễm chéo giữa các bệnh nhân với nhau. Nhưng nếu xét tình hình thực tế tại các bệnh viện, nếu lưu lượng bệnh nhân cần xử lý đông, rất khó để áp dụng khi thiết bị, dụng cụ của các cơ sở y tế còn thiếu thốn như hiện nay. Đã có những ý kiến đề nghị Bộ Y tế xem xét lại các quy định cho phù hợp hơn với thực tế, vừa giải quyết tốt việc khám chữa bệnh, vừa tránh cho nhân viên y tế mắc “lỗi quy trình” trong quá trình cứu chữa người bệnh”.
LÊ CƯỜNG