Thiếu máu cơ tim - vấn đề cần quan tâm
Thiếu máu cơ tim là tình trạng tắc hẹp các mạch máu đến nuôi tim, khiến cho cơ tim không được cung cấp đầy đủ oxy và dưỡng chất. Nếu không được điều trị tốt, bệnh có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như nhồi máu cơ tim hoặc rung thất.
Dấu hiệu điển hình để nhận biết bệnh thiếu máu cơ tim là triệu chứng đau thắt ngực.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Tâm, Khoa Nội tim mạch, BVĐK tỉnh, cho biết: “Dấu hiệu điển hình để nhận biết bệnh thiếu máu cơ tim là triệu chứng đau thắt ngực. Cảm giác đau ngực thường chỉ xuất hiện khi người bệnh gắng sức hoặc làm việc nặng. Khi bệnh nặng hơn, người bệnh cơn đau xuất hiện ngay cả lúc nghỉ ngơi. Cơn đau thắt ngực điển hình của thiếu máu cơ tim là cảm giác đau ở vùng ngực trái trước tim, sau đó đau lan dần tới cổ, vai trái và cánh tay trái. Ngoài ra, bệnh nhân có thể thấy kèm theo cảm giác lo âu, khó thở, hồi hộp, đánh trống ngực, vã mồ hôi, nôn, buồn nôn và choáng váng…Triệu chứng đau có thể xuất hiện vài tuần, vài tháng một lần, thậm chí là vài lần trong một ngày nếu nặng hơn. Cơn đau thường chỉ diễn ra trong khoảng vài giây đến vài phút và thường không quá 5 phút. Trường hợp đau kéo dài hơn 15 - 20 phút thì rất có thể là dấu hiệu của nhồi máu cơ tim cấp, khi đó bệnh nhân cần sớm được đưa đi cấp cứu để có hướng xử trí kịp thời. Các cơn đau thắt ngực trong thiếu máu cơ tim sẽ thường giảm đi khi bệnh nhân nghỉ ngơi hoặc sử dụng thuốc giãn mạch vành. Cũng có nhiều trường hợp thiếu máu cơ tim không xuất hiện triệu chứng gì còn gọi là bệnh thiếu máu cơ tim thầm lặng. Trong những trường hợp này, các biểu hiện của thiếu máu cơ tim chỉ được nhận thấy ở trên điện tâm đồ”.
Để phòng bệnh thiếu máu cơ tim nên có chế độ ăn uống lành mạnh, hạn chế sử dụng các chất kích thích và thuốc lá, chế độ luyện tập thể dục vừa sức, điều chỉnh cân nặng và điều trị tốt các bệnh lý đã có theo hướng dẫn của thầy thuốc.
Người có dấu hiệu thiếu máu cơ tim nên tham gia các hoạt động vừa sức được khuyến khích như đi bộ, bơi lội, tập aerobic ít nhất 3 lần mỗi tuần và khoảng 30 phút cho mỗi lần. Kiểm soát tốt huyết áp, đường máu và lipid máu giúp ổn định mảng xơ vữa mạch máu.
Khi đã bị bệnh, cũng cần thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa trên, đồng thời tuân thủ tốt điều trị để dự phòng các biến cố tim mạch. Tái khám định kỳ để điều chỉnh thuốc theo phác đồ giúp ổn định mảng xơ vữa đã có nhằm ngăn ngừa tiến triển xấu của bệnh như nhồi máu cơ tim, suy tim và rối loạn nhịp.
MINH PHƯỢNG