Xã Phước Thuận (Tuy Phước): Ruộng bị sa bồi thủy phá, dân thiếu đất sản xuất
Ba năm trở lại đây, 56 hộ dân/115 nhân khẩu ở thôn Phổ Trạch và Quảng Vân, xã Phước Thuận (Tuy Phước) rơi vào tình cảnh không có đất để sản xuất, vì ruộng bị sa bồi thủy phá. Người dân đã kiến nghị các cơ quan, đơn vị chức năng sớm có phương án hỗ trợ nhằm cải tạo lại diện tích đất để tiếp tục sản xuất, ổn định cuộc sống.
Ruộng bỏ hoang vì sa bồi, thủy phá
Theo người dân ở địa phương, Dự án QL 19 mới chưa triển khai thì hầu như những diện tích đất sản xuất lúa ở các cánh đồng dưới khu vực cầu Đen có tục danh như Rọc Dừa, Bàu Cao, Câu Chùa, Ông 2 Phú, Vườn Tòng, Cây Quế, Rong Dầm, Rong Tô 7,… ở thôn Quảng Vân và Phổ Trạch (xã Phước Thuận) không bị sa bồi thủy phá vào mùa mưa lũ. Thế nhưng, từ năm 2016, sau khi dự án này được triển khai, dòng chảy tiêu thoát lũ bị thay đổi, khiến nhiều hecta đất canh tác ở đây bị sa bồi, thủy phá nghiêm trọng.
Những ruộng lúa ở thôn Phổ Trạch bị thủy phá, biến thành sông.
Số liệu thống kê của UBND xã Phước Thuận cho thấy, ở 2 thôn kể trên có 4,7 ha đất sản xuất lúa bị sa bồi thủy phá nặng nề, chưa thể khắc phục để triển khai sản xuất. Bà Nguyễn Thị Phước, ở đội 4, thôn Quảng Vân, thở dài: “Nhà có 4 nhân khẩu. Nguồn lương thực hằng năm đều trông cả vào 2,5 sào ruộng này (500 m2/sào). Thế nhưng từ năm 2016 đến nay, diện tích trồng lúa này phải bỏ hoang, không thể tiếp tục canh tác do bị thủy phá. Trước đây, mỗi vụ sản xuất lúa còn dư để bán. Nhưng từ ngày đất sản xuất bị bỏ hoang, hàng tháng gia đình phải đi mua gạo về ăn”.
Chung tình cảnh với bà Phước còn có 55 hộ khác. Trong số này, có nhiều hộ có diện tích đất sản xuất lúa bị sa bồi, thủy phá, bỏ hoang trên 1.000 m2 như hộ Châu Cương (1.550 m2), Châu Thành Ân (1.925 m2), Hồ Thị Thanh Hoa (1.764 m2), Bành Văn Hợp (1.471 m2), Nguyễn Thanh Tùng (2.028 m2)…
Ngày 12.6, chúng tôi có mặt tại cánh đồng có tục danh Rong Tô 7, ở thôn Quảng Vân - nơi gánh chịu hậu quả sa bồi, thủy phá nặng, chứng kiến các hộ dân đang cặm cụi dọn cỏ, bốc dỡ đất, cát bị sa bồi trước đó để kịp gieo sạ vụ lúa Hè Thu 2018. Thế nhưng khối lượng đất, cát bị bồi lấp còn khá lớn, dù người dân đã tiến hành thu dọn trong thời gian dài. Bà Lê Thị Hồng (42 tuổi, ở thôn Quảng Vân) cho hay: “Khối lượng đất cát bồi lấp dày và rộng cả ngàn mét vuông như thế này cũng rất khó thu dọn hết được. Chắc phải bỏ hoang nữa thôi”.
Không chỉ đồng ruộng bị sa bồi, thủy phá; hiện nay, nhiều hệ thống kênh, mương dẫn nước trong vùng cũng bị đất cát bồi lấp, hoặc phá vỡ chưa khắc phục được, khiến việc cung cấp nước tưới và chống ngập úng gặp khó khăn.
Sớm ổn định sản xuất cho người dân
Ông Lê Đức Quang, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Thuận, xác nhận: Trước đây, khi chưa xây dựng đường QL 19 mới, hiện tượng ruộng bị sa bồi, thủy phá ở 2 thôn Quảng Vân, Phổ Trạch gần như không có. Tuy vậy, từ khi dự án này triển khai thì xảy ra hiện tượng này, nặng nề nhất là từ năm 2016 đến nay. Trước thực tế này, hàng năm, UBND huyện Tuy Phước đều quan tâm hỗ trợ kinh phí để địa phương tổ chức khắc phục nhưng năm nay vừa khắc phục xong thì năm sau mưa lũ xảy ra lại tiếp tục bị sa bồi, thủy phá.
Theo UBND xã Phước Thuận, 4,7 ha đất sản xuất lúa được thống kê bị sa bồi, thủy phá ở 2 thôn kể trên gần như không thể khắc phục; bởi lượng đất cát sa bồi quá lớn và nhiều diện tích đất canh tác bị thủy phá quá nặng, biến thành sông. “Trước mắt, UBND xã đã rà soát, kiểm kê diện tích đất sản xuất lúa của bà con bị ảnh hưởng, không gieo sạ được để kiến nghị lên UBND huyện và đề nghị cấp trên tạo điều kiện hỗ trợ gạo đối với các hộ bị ảnh hưởng. Về lâu dài, xã kiến nghị UBND huyện cho chủ trương thu hồi đất đối với những diện tích bị ảnh hưởng, không thể cải tạo để tiếp tục sản xuất và có chính sách đền bù cho bà con. Trường hợp hộ nào không đồng ý, địa phương xem xét lấy quỹ đất dự phòng của xã để hoán đổi cho người dân sản xuất, ổn định cuộc sống”, ông Quang nói.
TRỌNG LỢI