4.000 thanh tra sẽ cắm chốt tại các điểm thi THPT quốc gia
Mỗi điểm thi THPT quốc gia có 2 thanh tra độc lập cắm chốt để kiểm tra từ điểm trưởng đến cán bộ coi thi, thí sinh.
Tại buổi trao đổi thông tin về kỳ thi THPT quốc gia 2018 ngày 16.6, Chánh thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Huy Bằng cho biết, hơn 4.000 cán bộ thanh tra sẽ cắm chốt ở tất cả 2.144 điểm thi trên cả nước. Theo đó, mỗi điểm thi có một thanh tra của Sở Giáo dục và một của trường đại học phối hợp.
Chánh thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Huy Bằng.
Để đảm bảo khách quan, các đoàn thanh tra sẽ do Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành lập.
"Những năm trước, thanh tra cắm chốt do điểm trưởng phân công nên khó đảm bảo khách quan. Năm nay, các cán bộ này sẽ độc lập với điểm thi và có quyền giám sát, thanh tra từ điểm trưởng đến các cán bộ coi thi, thí sinh...", ông Bằng nói.
Cùng với lực lượng cắm chốt, còn có các đoàn thanh tra lưu động của Sở và Bộ. Trong đó, lực lượng cấp Bộ được quyền thanh tra tất cả hội đồng thi ở 3 khâu: chuẩn bị, coi thi, chấm thi.
Điểm mới trong công tác thanh tra kỳ thi THPT quốc gia năm nay là bố trí thanh tra chấm thi cắm chốt ở 63 hội đồng chấm, mỗi hội đồng có 2 người. Bộ Giáo dục kỳ vọng, cách làm này sẽ giúp công tác chấm được công bằng, chính xác hơn. "Những năm trước khi đi kiểm tra, tôi cũng phát hiện có hiện tượng chấm bài chưa nghiêm túc", ông Bằng nói.
Ngăn chặn gian lận thi cử ở cả phía thí sinh và giám thị
Lực lượng thanh tranh được coi là nòng cốt trong đảm bảo an toàn, trật tự, nghiêm túc của kỳ thi THPT quốc gia. Tuy nhiên, Chánh thanh tra Bộ Giáo dục cũng nhấn mạnh, đội ngũ này số lượng có hạn, trong khi việc gian lận thi cử ngày càng tinh vi. Các thiết bị gian lận được nguỵ trang bằng nhiều cách, có thể là thẻ ATM, camera siêu nhỏ cài cắm trong vỏ máy tính thí sinh được phép mang vào phòng thi... Mùa thi năm 2017, đoàn thanh tra của Bộ Giáo dục đã phát hiện và lập biên bản những trường hợp gian lận như vậy. "Có những loại tai nghe không dây nhỏ bằng hạt đậu, công an phải dùng nam châm mới hút ra được", Chánh thanh tra Bằng kể.
Theo ông, giám thị không chỉ kiểm soát để ngăn thí sinh mang vật dụng trái phép vào phòng thi, mà còn phải nhạy cảm để phát hiện ra những hành vi bất thường của sĩ tử để kiểm tra, báo cáo xử lý kịp thời.
"Việc chống gian lận thi cử phải làm cả 2 phía, kiểm soát cả thí sinh và giám thị coi thi", ông Bằng nhấn mạnh. Ông cho biết, sự việc giám thị chụp ảnh và chuyển đề thi lớp 10 của Hà Nội vừa qua là bài học kinh nghiệm khi tổ chức thi THPT quốc gia.
Trong kỳ thi THPT quốc gia năm nay, sẽ có một giám sát phụ trách tối thiểu 7 phòng thi để kiểm tra việc giám thị có làm đúng trách nhiệm. Nếu phát hiện giám thị có hành vi sai phạm, giám sát sẽ báo cáo điểm trưởng xử lý và thay thế người khác.
Mỗi phòng thi chỉ được phát 24 mã đề
Năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng tăng cường các quy định để kiểm soát chặt chẽ việc tổ chức thi.
Phó phòng Quản lý thi tuyển sinh và công nhận văn bằng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Nam Nhật Minh cho biết, các túi đựng phiếu trả lời trắc nghiệm của mỗi phòng thi sẽ chỉ có 24 phiếu, thay vì không giới hạn số phiếu như những năm trước. Điều này nhằm tránh việc lợi dụng số phiếu thừa để làm sai quy định. Trường hợp thí sinh thấy phiếu rách, nhàu muốn đổi, sẽ phải làm biên bản trả lại phiếu rách đó để được nhận phiếu dự phòng.
"Chúng tôi yêu cầu giám thị thu lại toàn bộ giấy nháp, tài liệu, vật dụng có ghi thông tin về bài thi tổ hợp nhằm tránh trường hợp thí sinh sử dụng thời gian của môn thi thành phần sau để giải nốt đề thành phần trước", ông Minh nói.
Phó phòng Quản lý thi tuyển sinh còn cho biết, các giám thị khi thu giấy nháp của thí sinh phải kiểm tra tất cả các vật dụng các em mang vào, từ bút, thước... để chắc chắn không có dữ liệu bài thi được ghi trên đó.
Năm nay, lần đầu tiên trên tem niêm phong túi bài thi của thí sinh sẽ có đủ chữ ký của cán bộ coi thi, trưởng điểm thi, thay vì không quy định rõ ai ký trên đó như trước. Cán bộ coi thi, chấm thi đồng thời phải đăng ký chữ ký, lưu cùng túi bài thi của thí sinh để khi có vấn đề, thanh tra dễ dàng đối chiếu.
Năm 2018, cả nước có 925.792 thí sinh đăng ký thi THPT quốc gia, tăng gần 60.000 so với năm trước. Trong đó, 642.379 thí sinh đăng ký để vừa xét tốt nghiệp THPT vừa xét tuyển vào các đại học, cao đẳng.
Thí sinh muốn dự thi để được xét công nhận tốt nghiệp THPT, nếu học chương trình giáo dục THPT phải đăng ký và dự thi 4 bài thi. Trong đó, 3 bài độc lập, bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và mộ bài do thí sinh tự chọn trong số 2 bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội. Thí sinh học chương trình Giáo dục thường xuyên cấp THPT dự thi 3 bài, gồm 2 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn và một bài tự chọn trong 2 bài thi tổ hợp.
Thí sinh được đăng ký dự thi cả hai bài thi tổ hợp, điểm bài nào cao hơn sẽ được chọn để tính xét công nhận tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, thí sinh đã đăng ký cả hai bài buộc phải tham gia thi cả hai.
Kỳ thi THPT quốc gia 2018 sẽ diễn ra từ ngày 25 đến hết 27.6. Mỗi địa phương có một cụm thi, Sở Giáo dục sẽ chủ trì với sự phối hợp của các đại học.
Theo Quỳnh Trang (VnE)