Chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số: Nỗ lực vượt qua những khó khăn
Ðồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh ta sống tập trung ở các huyện: Vân Canh, Vĩnh Thạnh, An Lão, Hoài Ân... Ðiều kiện tiếp cận với kiến thức về chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em còn nhiều hạn chế. Do đó, đội ngũ nhân viên y tế tại địa phương là lực lượng nòng cốt, gần gũi giúp đỡ, chăm sóc mảng y tế này.
Nhân viên y tế hướng dẫn chăm sóc trẻ sơ sinh tại TTYT huyện Vĩnh Thạnh.
Nỗ lực sẻ chia
Công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em (SKBMTE) tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) ở tỉnh ta được thực hiện khá bài bản, xuyên suốt từ tuyến huyện đến tuyến xã, thôn, làng. Mỗi TTYT huyện có Đội Chăm sóc SKBMTE, Đội Kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ), Khoa Sản của bệnh viện huyện phối hợp triển khai các hoạt động đến từng xã, thôn nhằm nâng cao nhận thức về sức khỏe sinh sản, cách nuôi con cho từng bà mẹ.
“Khi theo dõi thai kỳ, Đội KHHGĐ sẽ tư vấn cho chị em cách chăm sóc thai đúng phương pháp theo từng giai đoạn, cung cấp đầy đủ dưỡng chất cho thai nhi cũng như sức khỏe bà mẹ. Nếu có điều gì bất thường, Đội KHHGĐ sẽ giới thiệu chị em đến Khoa Sản để được khám, theo dõi sâu sát hơn” - bác sĩ CKI Nguyễn Thị Xuân Lộc, Trưởng Khoa Sản - Nhi, TTYT huyện Vĩnh Thạnh cho biết.
ĐBDTTS - đặc biệt ở khu vực vùng sâu vùng xa như: Canh Liên, Canh Thuận (huyện Vân Canh), Vĩnh Kim, Vĩnh Sơn (Vĩnh Thạnh), An Toàn, An Hưng (An Lão), Ân Sơn, Đăk Mang (Hoài Ân)... ít có điều kiện tiếp cận với kiến thức chăm sóc SKBMTE mới. Để bù đắp thiệt thòi này, cán bộ, nhân viên y tế các trạm y tế xã, thôn tích cực tuyên truyền kiến thức cho đồng bào; quản lý, theo dõi số lượng phụ nữ có thai để tư vấn về sàng lọc trước sinh; không sinh con tại nhà để đảm bảo sức khỏe bà mẹ và bé sơ sinh; nắm bắt số lượng trẻ em dưới 5 tuổi trên địa bàn để theo dõi sự phát triển cân nặng, chiều cao từng bé, vận động người dân không sinh con thứ 3 để có thêm điều kiện chăm sóc con.
“Đa số ban ngày chị em thường đi làm rẫy nên chúng tôi thường đến tận nhà 3 đến 4 lần/ tuần vào tầm sẩm tối để tư vấn cho chị em về cách chăm sóc sức khỏe trong giai đoạn thai kỳ, hậu sản và chăm sóc trẻ sơ sinh cũng như những lợi ích khi sinh con tại cơ sở y tế...” - chị Trần Thị Kiều Nga, nhân viên y tế Trạm Y tế Ân Sơn (Hoài Ân) chia sẻ.
Còn nhiều khó khăn
Nhờ công tác tư vấn, tuyên truyền những năm qua đều đặn, tích cực nên nhận thức về chăm sóc SKBMTE ở vùng ĐBDTTS ngày càng được cải thiện. Đa số phụ nữ có thai đã đến cơ sở y tế để được chăm sóc, theo dõi, hơn 98% phụ nữ không sinh con tại nhà.
“Tôi được hướng dẫn về lợi ích khi sinh con tại cơ sở y tế, nên vợ chồng tôi quyết định tới TTYT huyện để sinh con. Tại đây, tôi được các y, bác sĩ hướng dẫn, chăm sóc nhiệt tình” - chị Đinh Thị Bới (xã Vĩnh Sơn, Vĩnh Thạnh) cho biết.
Tuy nhiên, do “thoải mái” về vấn đề sinh hoạt và khả năng nhận biết các kỹ năng về sức khỏe sinh sản còn kém nên hiện tượng trẻ vị thành niên mang thai còn tồn tại. “Trước kia tình hình sức khỏe sinh sản tại xã rất phức tạp. Hiện tại, nhờ đẩy mạnh tuyên truyền về sinh con có kế hoạch, và hiện tượng tảo hôn nên tình trạng sinh con ở tuổi vị thành niên đã giảm nhiều nhưng vẫn còn” - bác sĩ CKI Nguyễn Ngọc Hải, Trưởng Trạm Y tế Vĩnh Sơn (Vĩnh Thạnh) bày tỏ.
Hiện nay, tại các trạm y tế xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh ta đã có các nữ hộ sinh được đào tạo bài bản. Bên cạnh đó, mô hình cô đỡ thôn bản cũng đã phát huy tốt ở những làng xa, đường đi cách trở như An Hưng (An Lão), Vĩnh Kim (Vĩnh Thạnh)... Dù vậy, vấn đề về nhân lực để đáp ứng nhu cầu của các trạm y tế vẫn chưa đủ. Tại xã vùng cao Vĩnh Sơn, do đường cách trở nên TTYT huyện cấp 1 máy đo điện tim và một máy siêu âm, nhưng chưa phát huy được hiệu quả. “Mỗi trạm y tế chỉ có 1 bác sĩ nên khó cử đi học được. Do vậy, để bồi dưỡng trình độ cho bác sĩ tại trạm, Trung tâm đưa bác sĩ tới trạm để hướng dẫn và ngược lại, bác sĩ của trạm y tế tới Trung tâm để học tập kinh nghiệm” - bác sĩ CKII Hứa Tự Thảo, Giám đốc TTYT huyện Vĩnh Thạnh cho biết.
THẢO KHUY