Giải phóng những yêu thương...
Yêu thương là tự do (NXB Văn hóa - Văn nghệ TP Hồ Chí Minh & Phanbook, 2018) là tập tản văn của Trần Lê Sơn Ý vừa ra mắt bạn đọc. Sách gồm 56 “lát cắt cuộc sống” được trình bày bởi một tâm hồn đa cảm, đầy chiêm ngẫm, luôn khao khát hướng đến những giá trị yêu thương giữa bề bộn cuộc sống.
Ngoài sự lôi cuốn trong cách hành văn duyên, cá tính, người đọc còn ấn tượng, đồng cảm bởi sự chân thành trong những bài viết của tác giả về gia đình, bạn bè, về con cái, về những góc khuất đời người muốn tìm những bình yên, nhẹ lòng sau tất thảy những đau thương trầm tích chồng chất qua tháng ngày.
Qua những trang viết, ta tìm thấy những điều bình dị mà ý nghĩa, khơi dậy niềm yêu thương và hứng khởi đối với cuộc sống. Đôi khi, là cách thể hiện yêu thương hết sức giản dị như: tặng một cuốn sách, sum họp bữa cơm gia đình ngày cuối năm, đôi lời nói chân thành sẻ chia... Hóa ra, cách thể hiện yêu thương không khó như ta tưởng, nhất là với những người ta thật sự quan tâm, như tác giả khẳng định: “Khi yêu thương, người ta luôn biết cách…”.
Trong sách, có nhiều bài viết về cuộc sống gia đình, là dịp để mỗi chúng ta chậm rãi suy ngẫm, soi chiếu lại mình. Để rồi tự vấn cùng người viết: “Mình đã làm gì để cho người con gái xinh đẹp ngày cũ ra đi và một người đàn bà cáu bẳn nào đó đến thay thế?” (Người bạn yêu đáng giá bao nhiêu con bò?). Hẳn rằng, dù nhỏ thôi, nhưng những ai từng đọc qua sách sẽ có điều chỉnh phù hợp, bởi việc gìn giữ yêu thương cũng gian nan như việc gặp gỡ, hạnh duyên từ những người xa lạ.
Có những thứ càng chia càng ít đi, nhưng cũng có những thứ như “cái tình là thứ càng chia càng lớn lên”. Chính yêu thương chân thành sẽ chắp cánh cho cuộc sống này thêm ý nghĩa, an yên: “Sự quan tâm, chăm sóc sinh ra niềm vui. Niềm vui từ mọi người xung quanh, niềm vui trong cuộc sống, đặc biệt là niềm vui ta hái được từ việc chăm sóc con người bên trong của mình. Và khi đó, yêu thương không phải là trách nhiệm. Yêu thương là tự do. Con cái chúng ta cũng sẽ được tự do” (Yêu thương là tự do).
Đọc sách, ta ngậm ngùi nhận ra những xô bồ cuộc sống như làm dày thêm bức tường ngăn cách sự sẻ chia của con người với con người, khiến nhiều người thu mình trong “vỏ ốc đơn độc”, dè xẻn niềm tin và cả yêu thương. Tản văn của Trần Lê Sơn Ý cứ nhẹ nhàng tỉ tê về những điều gần gụi, bình dị, để rồi như muốn thúc giục người đọc hãy phá bỏ những rào cản đang hạn chế chính mình, đừng “nhốt tim mình trong một cái chai”, hãy giải phóng lòng mình để nồng nàn sống, để sẻ chia và yêu thương nhiều hơn…
VÂN PHI