Giáo sư, tiến sĩ Lê Kim Ngọc:
“Chúng tôi muốn bạn bè thế giới biết người Việt có thể giúp người Việt”
Sau Chương trình Gặp gỡ Việt Nam lần IX và Lễ khánh thành Trung tâm Quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành (ICISE) vào đầu tháng 9.2013 tại TP Quy Nhơn, giáo sư (GS) Trần Thanh Vân, Chủ tịch Hội Gặp gỡ Việt Nam, đã trở nên quen thuộc hơn với công chúng tỉnh nhà và cả nước. Tuy nhiên, vợ ông - GS-TS Lê Kim Ngọc - người đồng hành cùng ông trong tất cả mọi hoạt động, ít được biết đến. GS Lê Kim Ngọc đã dành cho PV Báo Bình Định một cuộc trò chuyện thân tình.
Người mẹ của trẻ mồ côi
Những nỗ lực mà họ cùng thực hiện trong suốt mấy chục năm qua để nuôi dưỡng những em nhỏ mồ côi; hỗ trợ, giúp đỡ các học sinh, sinh viên (HS,SV) giỏi ở Việt Nam, và giúp các nhà khoa học trẻ Việt Nam tiếp cận với những nhà khoa học lớn trên thế giới… rất đáng trân trọng. Từ những năm 70 của thế kỷ trước, vợ chồng GS đã quyên góp tiền giúp đỡ trẻ em mồ côi ở Việt Nam bằng cách bán từng tấm thiệp Giáng sinh. Việc làm này đã lan tỏa, hình thành một phong trào hoạt động từ thiện rộng lớn tại Pháp với sự ra đời của Hội Giúp đỡ trẻ em Việt Nam (AEVN) do GS Lê Kim Ngọc sáng lập.
Từ nguồn quyên góp này, đến nay, AEVN đã xây dựng được ba làng trẻ em SOS tại Đà Lạt (Lâm Đồng), Huế (Thừa Thiên-Huế) và Đồng Hới (Quảng Bình). Đặc biệt, toàn bộ kinh phí cho các hoạt động nhân đạo này đều do công sức cùng bán thiệp của các SV Việt và các người bạn của vợ chồng GS Trần Thanh Vân tại Pháp chứ không xin tài trợ. Hàng năm, AEVN vẫn đóng góp tiền để duy trì 3 làng SOS này.
* Có rất nhiều cách để quyên góp giúp đỡ trẻ em mồ côi, tại sao vợ chồng GS lại chọn cách bán từng tấm thiệp để có tiền xây dựng làng SOS?
- Năm 1968, ở Việt Nam chiến tranh quá ác liệt. Ở Pháp, chúng tôi thấy bên nhà có nhiều trẻ em mồ côi do chiến tranh rất tội nghiệp. Vì thế, tôi muốn lập những làng trẻ mồ côi để nuôi dạy các cháu, cho các cháu được sống trong bầu không khí gia đình, có mẹ, có anh chị em. Chúng tôi muốn các cháu tìm lại tình yêu thương, được tạo điều kiện hưởng đầy đủ quyền trẻ em, được phát triển toàn diện để trở thành những công dân có ích.
“Chúng tôi làm mọi thứ với tất cả sự thành tâm, không vụ lợi, để cho những người đã đến với chúng tôi biết họ đang bước lên một con tàu đang chạy, đã được vận hành thành công, và tất nhiên, con tàu đó luôn hướng tới những mục đích tốt đẹp ”
Mùa Giáng sinh, vợ chồng tôi cùng một số bạn bè và SV dậy thật sớm hoặc tranh thủ buổi tối, sau giờ làm để đi bán thiệp. Nhiều khi nhiệt độ bên ngoài âm 10-150C, rất lạnh, và không phải ai cũng hiểu việc làm của chúng tôi. Thật sự điều này rất khó khăn, nhưng chúng tôi không muốn ngửa tay xin tiền. Chúng tôi muốn bạn bè thế giới biết rằng, người Việt mình lúc đó còn nghèo nhưng mình nỗ lực giúp nhau, vì vậy họ mới tôn trọng mình hơn.
* Sau nhiều năm gây dựng và duy trì các làng trẻ em SOS, điều gì khiến ông bà cảm thấy vui nhất?
- Chúng tôi vui nhất là có rất nhiều em đã trưởng thành từ các làng trẻ em SOS do chúng tôi thành lập và hỗ trợ. Các em học tốt, có việc làm, trở thành người có ích, nhiều em đã có thể giúp đỡ lại các em nhỏ ở các làng SOS, và các em đều sẵn lòng giúp đỡ các hoàn cảnh không may mà các em gặp ngoài xã hội.
Cứ chăm chỉ và nỗ lực, cơ hội sẽ đến
Ở tuổi gần 80, vợ chồng GS vẫn liên tục di chuyển qua lại giữa Pháp và Việt Nam để chăm lo cho các làng SOS, trao học bổng Vallet (tên một nhà khoa học Pháp tích cực giúp đỡ quỹ học bổng này), tạo điều kiện cho các SV theo học những chương trình đào tạo chất lượng cao tại Pháp, tổ chức các cuộc gặp gỡ. Và gần đây nhất, ICISE, ước mơ lớn cuối cùng của vợ chồng GS đã thành hiện thực.
* Được biết, GS rất thành công trong lĩnh vực sinh học, vậy GS có lời khuyên gì đối với những nhà khoa học trẻ?
- Ở các nước phát triển, nghiên cứu khoa học cơ bản được quan tâm nhiều hơn. Đa số các nhà khoa học nước ngoài, khi đạt được thành công trong nghiên cứu thường rất trẻ, dưới 40 tuổi. Vì vậy, muốn giới trẻ đam mê nghiên cứu, cần phải cho họ cơ hội sớm gánh vác trách nhiệm, có cơ hội gặp gỡ, tiếp xúc với những người giỏi trong lĩnh vực họ nghiên cứu. Chúng tôi chỉ nỗ lực trong khả năng có thể, nếu giúp được gì để các em hoàn thiện tri thức, chúng tôi rất sẵn lòng. Mặc dù việc theo đuổi nghiên cứu còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, song bản thân các em phải có nỗ lực tốt. Cơ hội không tự nhiên mà đến, các em phải tự nỗ lực tìm kiếm cơ hội, tận dụng cơ hội. Cứ chăm chỉ và nỗ lực, cơ hội sẽ đến.
* Những người bạn của vợ chồng GS cho rằng, việc tổ chức các hội nghị khoa học, xây dựng làng SOS, duy trì quỹ học bổng Vallet và xây dựng ICISE… của ông bà không phải ai cũng làm được?
- Mỗi một việc chúng tôi làm mà các bạn đã thấy đều bắt nguồn từ những ý tưởng mà chúng tôi luôn canh cánh trong lòng. Chúng tôi bắt đầu từ những việc rất nhỏ. Sau đó, có rất nhiều bạn bè và những người tốt bắt đầu chung tay với chúng tôi. Chúng tôi sẽ không làm được nhiều việc như thế nếu không có sự giúp đỡ của mọi người. Chúng tôi làm mọi thứ với tất cả sự thành tâm, không vụ lợi, để cho những người đã đến với chúng tôi biết họ đang bước lên một con tàu đang chạy, đã được vận hành thành công, và tất nhiên, con tàu đó luôn hướng tới những mục đích tốt đẹp. Với ICISE, chúng tôi đã ấp ủ ý tưởng, cưu mang trong lòng trong suốt hơn 15 năm, và bắt đầu dành dụm tiền từ khi tổ chức các chương trình gặp gỡ bên Pháp. Chúng tôi muốn bạn bè thế giới biết rằng người Việt Nam có thể giúp đỡ được người Việt Nam.
ICISE sẽ là ngôi nhà chung
ICISE là mong ước lớn cuối cùng của vợ chồng GS Lê Kim Ngọc với mục đích góp phần quảng bá hình ảnh của Việt Nam, là “sân chơi” giúp các nhà khoa học thế giới và Việt Nam có cơ hội gặp gỡ, trao đổi khoa học. Quan trọng hơn, ICISE sẽ là một trong những nơi góp phần đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao cho Việt Nam.
* GS mong muốn ICISE sẽ phát triển như thế nào?
- ICISE là một “sân chơi” khoa học để các nhà khoa học trên thế giới có thể đến chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm, thư giãn và suy ngẫm trên tinh thần thoải mái, cởi mở; là nơi để các nhà khoa học trẻ tuổi có thể tự tin trình bày những ý tưởng khoa học, có thể học hỏi kiến thức, kinh nghiệm từ những nhà khoa học đã thành danh. Tuy nhiên, một mình chúng tôi thì không thể làm được tất cả mọi việc. Tôi cảm thấy lo nhiều hơn vì để ICISE hoạt động như mong muốn, còn có rất nhiều việc phải làm.
Tôi mong muốn ICISE sẽ trở thành một ngôi nhà chung mà chúng ta cùng nhau xây dựng và phát triển nó. Trong thời gian qua, có rất nhiều tình nguyện viên người Bình Định cùng nhiều nơi trong nước và người nước ngoài đã giúp đỡ chúng tôi rất nhiều việc cho ICISE. Chúng tôi rất cảm ơn sự nhiệt tình của tỉnh Bình Định, của TP Quy Nhơn trong thời gian vừa qua. Chúng ta sẽ chung sức xây dựng ICISE trở thành một trong những nơi đào tạo nhân tài và để các tài năng trẻ Việt Nam có cơ hội học tập, gặp gỡ những nhà khoa học của thế giới.
* Xin cảm ơn GS và chúc vợ chồng GS nhiều sức khỏe!
GS Lê Kim Ngọc sinh năm 1934 tại Vĩnh Long. Năm 1953, bà học tại Đại học Sorbonne (Paris - Pháp). Ba năm sau, bà tốt nghiệp hạng ưu ngành khoa học tự nhiên rồi làm nghiên cứu sinh tại Trung tâm Quốc gia nghiên cứu khoa học Pháp (CNRS). GS-TS Lê Kim Ngọc là người đầu tiên trên thế giới đưa ra khái niệm “lát mỏng tế bào” (TCL), một khám phá đã tạo ra cuộc cách mạng trong lĩnh vực công nghệ sinh học thực vật. Đây là một công trình mang tính đột phá đối với ngành sinh học thế giới ở thập niên 1970. Đến nay, phương pháp TCL được ứng dụng rộng rãi trong nhân giống, trong công nghệ ghép gien để tạo giống mới… Bà là tác giả hàng trăm bài báo khoa học, nổi bật nhất là 3 bài in trên tờ Nature ở Anh - một trong những tạp chí khoa học hàng đầu thế giới.
MAI HỒNG (Thực hiện)