KỶ NIỆM 93 NĂM NGÀY BÁO CHÍ CÁCH MẠNG VIỆT NAM (21.6.1925 - 21.6.2018):
Trách nhiệm của nhà báo khi tham gia mạng truyền thông xã hội
Mạng xã hội đang trở thành một kênh thông tin có sức lan tỏa nhanh, rộng và có xu hướng lôi kéo người đọc vào ma trận thông tin chưa được kiểm chứng, thiếu khách quan và rất dễ sai lệch. Với trách nhiệm của mình khi tham gia mạng xã hội, các nhà báo không chỉ là người chia sẻ thông tin chuyên nghiệp mà còn định hướng thông tin chính xác, khách quan cho xã hội.
Các nhà báo tác nghiệp tại “Gặp gỡ Việt Nam” lần thứ 14, do Bộ KH&CN và UBND tỉnh Bình Định phối hợp tổ chức tại TP Quy Nhơn, tháng 5.2018. Ảnh: VĂN LƯU
Định hướng dư luận xã hội
Với sự xuất hiện của internet và truyền thông xã hội, từ lâu, việc cung cấp thông tin không còn là độc quyền của các cơ quan báo chí, của nhà báo. Có thể nói, mạng xã hội (MXH) đang trở thành nguồn cung cấp thông tin rất dồi dào.
Điển hình từ năm 2014, MXH Facebook xuất hiện clip thầy giáo và học trò đánh nhau, các nhà báo đã vào cuộc xác minh và công chúng được biết sự việc trên xảy ra ở trường THPT Nguyễn Huệ, huyện Tây Sơn. Hoặc vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra vào khoảng 21 giờ 30 phút ngày 16.8.2017, trên đường tránh QL 1A, đoạn qua thôn An Lạc Đông 2, thị trấn Phù Mỹ, huyện Phù Mỹ làm 5 hành khách tử vong, 6 người bị thương. Phóng viên Hoàng Trọng (Báo Thanh Niên) cho biết: “Từ hình ảnh trên trang Facebook của một người ở Phù Mỹ, tôi và các đồng nghiệp đã xác minh sự việc qua CA huyện và tức tốc chạy đến hiện trường của vụ tai nạn để đưa thông tin, phản ánh sự việc chính xác nhất cho bạn đọc”.
Tuy nhiên, khi sử dụng thông tin cũng như tham gia thông tin trên MXH, nhà báo cần thận trọng, chuyên nghiệp để thông tin do mình truyền tải chính xác, khách quan và có trách nhiệm. Nhà báo Duy Thanh (Báo Tuổi Trẻ TP Hồ Chí Minh) kể: Sáng 19.5.2018, nhiều trang Facebook cá nhân đưa các clip trong đó có việc hàng trăm người dân bắt, xông vào đánh đập những người được cho là đã bắt cóc trẻ em ở xã Hoài Thanh Tây, huyện Hoài Nhơn. Tuy nhiên, khi các nhà báo liên lạc với lãnh đạo các xã, huyện; kết hợp xác minh từ cơ quan CA thì những thông tin về bắt cóc trẻ em chỉ là hiểu lầm. Nhờ có thông tin chính xác, vụ việc được các báo định hướng, dẫn dắt dư luận đi đúng luồng, góp phần ổn định tình hình ANTT địa phương, minh oan cho người bị hiểu nhầm.
Rèn luyện tâm - tài
Trong “biển” thông tin như hiện nay, không phải ai cũng có đủ kỹ năng để chọn đúng nguồn tin tốt. Bởi vậy, vai trò của nhà báo, cơ quan báo chí càng thêm quan trọng. Mỗi nhà báo phải luôn giữ vững trách nhiệm, bản lĩnh nghề nghiệp, thường xuyên học hỏi, đổi mới chính mình mới hy vọng đáp ứng được yêu cầu nghề nghiệp, nhu cầu xã hội. Người làm báo có đạo đức nghề nghiệp thì phải biết phản biện, gạn đục khơi trong những thông tin trên MXH để khai thác, tìm được nhiều thông tin tốt, nhiều chủ đề hay cho báo chí truyền thống. Bởi, nếu thông tin từ MXH là đúng, báo chí sẽ kịp thời ngợi khen, cổ vũ và khai thác tốt hơn. Ngược lại, khi thông tin MXH là sai, báo chí sẽ chấn chỉnh, phê phán và kịp thời định hướng bằng thông tin chính xác.
Nhà báo Quốc Dũng (Thông tấn xã Việt Nam) chia sẻ: “Khi tham gia MXH, các nhà báo cần nghiêm túc xác định trách nhiệm của mình. Dù muốn hay không, các thông tin mà nhà báo đăng tải trên MXH cũng thu hút rất nhiều người đọc, tạo ra ảnh hưởng xã hội nhất định và được độc giả tin tưởng. Nhà báo cũng cần thận trọng khi tương tác, chia sẻ bất cứ thông tin nào, tránh đưa ra những quan điểm, bài viết có ý kiến chủ quan, sai lệch”.
“Đứng trước những yêu cầu mới, những nhà báo chân chính cần giữ vững tấm lòng son sắt, thực hiện tốt chức năng báo chí là cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước, tổ chức xã hội và là diễn đàn của nhân dân. Tôi mong các nhà báo trong quá trình hoạt động báo chí luôn đề cao tinh thần trách nhiệm khi tham gia thông tin trên MXH, không quên bổn phận của mình và không quên sự tin cậy của nhân dân đối với nghề nghiệp của mình!”, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nguyễn Giờ nhấn mạnh.
Mặt tích cực của MXH là thông tin rất nhanh, rất nhiều, đa dạng nhiều chiều, song thông tin thiếu kiểm chứng, do đó, những phần tử xấu thường xuyên lợi dụng MXH để xuyên tạc, kích động, chống đối Ðảng và Nhà nước. Như vừa qua, khi Quốc hội bàn về 2 dự thảo Luật Ðơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và Luật An ninh mạng, đã bị các phần tử chống đối xuyên tạc sự thật, lợi dụng lòng yêu nước để kích động biểu tình, gây rối. Do vậy, những người làm báo cần tiếp tục phát huy vai trò, đổi mới phương pháp để đưa thông tin chính thống kịp thời tới bạn đọc, dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội, đẩy lùi thông tin sai lệch, góp phần làm lành mạnh đời sống tinh thần xã hội.
Nhà báo ĐỖ NGUYÊN HÙNG - Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh
HẢI YẾN