Hội nghị giao ban công tác dân vận các tỉnh, thành khu vực miền Trung - Tây Nguyên
(BĐ) - Ngày 21.6, tại TP Quy Nhơn, Ban Dân vận Trung ương đã tổ chức Hội nghị giao ban công tác dân vận các tỉnh, thành khu vực miền Trung - Tây Nguyên 6 tháng đầu năm 2018 và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm. Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương dự và chủ trì hội nghị. Dự và đồng chủ trì Hội nghị có đồng chí Nguyễn Thanh Tùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định; Trần Thị Bích Thủy, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Tùng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VĂN LƯU
Báo cáo tóm tắt kết quả công tác dân vận các tỉnh, thành khu vực khu vực miền Trung - Tây Nguyên tại Hội nghị cho thấy: 6 tháng quá, công tác dân vận đã được hệ thống chính trị các tỉnh, thành trong khu vực quan tâm, chú trọng, tạo những chuyển biến tích cực. Cấp ủy, chính quyền các cấp đã tích cực quán triệt, triển khai các chỉ thị, nghị quyết, chính sách, pháp luật về công tác dân vận, dân tộc, tôn giáo một cách cụ thể, phù hợp với đặc điểm, tình hình của từng địa phương. Các tỉnh, thành đã đẩy mạnh phong trào “Dân vận khéo”; thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở; nâng cao trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền các cấp tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân theo định kỳ và đột xuất khi có yêu cầu, qua đó đã tạo chuyển biến của cả hệ thống chính trị theo hướng sâu sát với cơ sở, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, chủ động tham mưu, kịp thời giải quyết khi những bức xúc của nhân dân. Công tác dân vận của chính quyền có nhiều chuyển biến tích cực, gắn với hoạt động cải cách hành chính, mở rộng dân chủ, công khai, minh bạch trong hoạt động quản lý, điều hành; gắn với nêu cao tinh thần, trách nhiệm phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức… thực hiện tốt “Năm dân vận chính quyền” 2018.
Tuy nhiên, một số cấp ủy đảng, chính quyền khu vực chưa thực sự chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác dân dận; công tác triển khai, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, tỉnh, thành chưa kịp thời, hiệu quả chưa cao. Việc xây dựng, nhân rộng mô hình “Dân vận khéo” chưa được quan tâm thường xuyên. Công tác nắm bắt và dự báo tình hình, tham mưu cho cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác dân vận của một số địa phương, đơn vị chưa kịp thời.
Tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Tùng có bài phát biểu giới thiệu tóm tắt những kết quả, kinh nghiệm đạt được trên tất cả các mặt chính trị, KT-XH, quốc phòng- an ninh. Phong trào thi đua “Dân vận khéo” tiếp tục phát triển đi vào chiều sâu, đem lại hiệu quả thiết thực, nhất là phong trào xây dựng nông thôn mới (49/121 xã đã hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Đến nay, toàn tỉnh đã triển khai thực hiện trên 9.000 mô hình “Dân vận khéo”. Riêng ở Bình Định, Tỉnh ủy đã thống nhất chủ trương bố trí chức danh và phụ cấp cho Phó Trưởng Ban Dân vận chuyên trách tại 159/159 đảng ủy xã, phường, thị trấn và thành lập 1.123/1.123 tổ dân vận thôn.
Đại diện lãnh đạo các Ban Dân vận tỉnh, thành trong khu vực đã đề cập về những bài học kinh nghiệm bổ ích, đánh giá thuận lợi, khó khăn, vướng mắc trong công tác tham mưu, tổ chức, triển khai thực hiện các nhiệm vụ công tác dân vận trong 6 tháng đầu năm và đề xuất những phương hướng, cách làm tốt hơn cho những tháng cuối năm 2018.
Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Ban Dân vận Trung ương phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: VĂN LƯU
Phát biểu chỉ đạo kết luận hội nghị, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đạt được trong công tác dân vận của các tỉnh, thành trong khu vực, cùng những ý kiến phát biểu trách nhiệm, chia sẻ kinh nghiệm của đại biểu tại hội nghị. đồng chí Trương Thị Mai đề nghị công tác dân vận của khu vực phải tiếp tục bám sát các nhiệm vụ chính trị mà hệ thống chính trị đã đề ra; trong đó quan tâm đến những lợi ích “sát sườn” của nhân dân; có kết quả cụ thể, đo đếm được bằng chỉ số các phát triển, tăng trưởng kinh tế, sự hài lòng của nhân dân. Ban Dân vận các tỉnh, thành ủy và cấp ủy các cấp phải vào cuộc, nắm, nghiên cứu, tham mưu cách giải quyết những “điểm nóng”, phức tạp của nhân dân. Hết sức quan tâm đến công tác đặc thù như dân tộc, tôn giáo. Trong đó tập trung đáp ứng yêu cầu nắm chắc tình hình nhân dân trên địa bàn để tham mưu cho cấp ủy, không tạo “điểm nóng”; tiếp tục đổi mới công tác dân vận của cả hệ thống chính trị, nhất là của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp; sắp xếp, củng cố tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận trong giai đoạn hiện nay, phù hợp với việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) về đổi mới, sắp xếp tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị.
HẢI YẾN