Cử tri cần hết sức cảnh giác để không bị lợi dụng
(BĐ) - Ngày 21.6, đồng chí Nguyễn Phi Long - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, ĐBQH đơn vị Bình Định đã có buổi tiếp xúc cử tri xã Phước Hưng (huyện Tuy Phước) sau kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV.
Quang cảnh buổi tiếp xúc cử tri ở xã Phước Hưng.
Tại buổi tiếp xúc, ĐB Nguyễn Phi Long đã thông báo với cử tri một số kết quả đáng chú ý của kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV. Theo đó, Quốc hội đã thông qua 7 luật, 8 nghị quyết và cho ý kiến về 9 dự án luật khác. Tại kỳ họp này, việc đổi mới, cải tiến cách thức chất vấn và trả lời chất vấn theo hướng rút ngắn thời gian nêu và trả lời câu hỏi đã tạo điều kiện để tăng số đại biểu Quốc hội chất vấn, tranh luận; đồng thời, phát huy được năng lực của đại biểu, nâng cao chất lượng câu hỏi và câu trả lời.
Một số cử tri cho rằng, việc thông tin, tuyên truyền về dự thảo Luật An ninh mạng và Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt chưa được quan tâm đúng mức, dẫn đến tình trạng hiểu sai lệch và hành vi phản đối. Theo ĐB Nguyễn Phi Long, Luật An ninh mạng được ban hành nhằm phòng ngừa, ngăn chặn các nguy cơ đe dọa an ninh mạng và bảo vệ chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Đồng thời, phù hợp với thực tiễn, khả thi, tránh sự lạm dụng, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của người dân, quyền con người theo tinh thần của Hiến pháp. Đây là một dự án luật khó, đã được tiếp thu ý kiến đóng góp của cử tri, nhân dân để phân định rõ giữa an ninh mạng và an toàn thông tin mạng, rà soát các quy định về trình tự, thủ tục, thẩm quyền của các chủ thể bảo vệ an ninh mạng.
Trong khi đó, Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt là dự án Luật mới, phức tạp, chưa có tiền lệ. Nhiều quy định về cơ chế, chính sách mang tính đột phá cả về tổ chức bộ máy và quan điểm, định hướng phát triển trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và bối cảnh tình hình quốc tế, khu vực có nhiều diễn biến phức tạp; ý kiến của ĐBQH, các cán bộ lão thành, chuyên gia, nhà khoa học và cử tri về một số nội dung của dự án Luật còn khác nhau. Một số quy định của dự thảo Luật được giải thích chưa đúng, chưa đầy đủ hoặc thậm chí có dụng ý xấu, gây hoang mang trong dư luận và một bộ phận nhân dân.
Trên cơ sở nghiêm túc tiếp thu ý kiến của ĐBQH, các tầng lớp nhân dân và cử tri, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thận trọng, cân nhắc nhiều mặt và thống nhất với Chính phủ chỉnh lý quy định của dự thảo Luật về thời hạn sử dụng đất để sản xuất kinh doanh áp dụng theo quy định của Luật Đất đai hiện hành, không quy định trường hợp đặc biệt kéo dài đến 99 năm. Đồng thời, theo đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ, Quốc hội đã quyết định chưa thông qua dự án Luật này tại kỳ họp thứ 5 và chuyển sang kỳ họp sau.
“Mong bà con cử tri hết sức cảnh giác để không bị lợi dụng, kích động, bị cuốn theo các hành vi vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến an ninh trật tự xã hội”, ĐB Nguyễn Phi Long bày tỏ.
Bên cạnh các vấn đề chung của đất nước, lãnh đạo huyện Tuy Phước và Sở NN&PTNT cũng đã giải đáp ý kiến xung quanh một số tồn tại ở địa phương liên quan đến đời sống, sản xuất của người dân.
NGUYỄN VĂN TRANG