Bài học đắt giá từ việc ... đòi nợ
Hiện nay, việc cho vay có lãi suất trong dân cư rất phổ biến, thủ tục vay mượn khá đơn giản. Thế nhưng, khi người vay không còn khả năng thanh toán, chuyện lại trở nên phức tạp. Nhiều chủ nợ dùng đủ mọi cách để lấy lại tiền của mình, thậm chí có hành vi trái pháp luật.
Cho rằng ông Trần Văn Bình (TP Quy Nhơn) cố tình chây ỳ không trả nợ theo thỏa thuận, nên Nguyễn Thị Kim Thoa (SN 1965, ở TP Quy Nhơn) tìm cách buộc ông trả nợ. Thoa thuê Phan Nhật Trường (SN 1982, ở TP Quy Nhơn) và bàn bạc, thống nhất với Trường về tỉ lệ ăn chia 30% cũng như cách thức đòi nợ. Trường đóng vai một người cần mua nhà, chủ động liên hệ với ông Bình và hẹn thời gian, địa điểm để trao đổi việc mua bán. Để tạo sự tin tưởng, Trường thuê taxi đến đón ông Bình, rồi cùng đi đến một quán nhậu trên địa bàn phường Bùi Thị Xuân, TP Quy Nhơn. Tại đây, dưới sự hậu thuẫn của Thoa, Trường và đối tượng tên Tuấn đã dùng vũ lực đe dọa, ép buộc ông Bình viết giấy nhận nợ số tiền 1,08 tỉ đồng (theo khoản nợ ban đầu). Sau gần 10 giờ đe dọa, ép buộc trả nợ nhưng ông Bình vẫn chưa có tiền trả, Thoa bàn với Trường tiếp tục đưa ông Bình về nhà của ông Bình ở số 6, đường Nguyễn Hữu Quang, TP Quy Nhơn, tiếp tục canh giữ, khống chế để đòi nợ trong thời gian từ ngày 30.9.2015 đến 6.10.2015. Trước sức ép của Thoa, ông Bình phải vay 50 triệu đồng đưa cho Thoa. Và đây thực tế là số tiền mà Thoa đã chiếm đoạt của ông Bình trong thời gian ông Bình bị giữ.
Phiên tòa xét xử bị cáo Thoa cùng các đồng phạm về tội bắt giữ người trái pháp luật và cưỡng đoạt tài sản.
Vì vậy, Thoa cùng đồng bọn bị xét xử với 2 tội danh: bắt giữ người trái pháp luật và cưỡng đoạt tài sản. Tại tòa, các bị cáo quanh co, cho rằng mục đích chỉ muốn ép bị hại viết giấy nhận nợ và đòi lại tiền, chứ không có ý gì khác. Bị cáo Thoa nói rằng mình chỉ đưa ông Bình về chính nhà của ông này để đợi nhận tiền, chứ không hề bắt giam giữ hay đưa đi giam giữ ở nơi nào khác. Còn bị cáo Trường thì phủ nhận việc ăn chia số tiền đòi nợ, nói đó là tiền bồi dưỡng tùy theo ý Thoa chứ không có giá cụ thể.
Theo luật quy định, nếu người vay nợ không trả nợ đúng hạn, người cho vay có quyền khởi kiện đến tòa án để buộc người vay trả lại tiền. Trong trường hợp người vay tiền có hành vi gian dối ngay từ khi thực hiện giao dịch hoặc có hành vi tẩu tán tài sản, bỏ trốn... nhằm chiếm đoạt tài sản hoặc sử dụng khoản tiền vay vào mục đích bất hợp pháp, dẫn đến không có khả năng chi trả thì hành vi đó có dấu hiệu phạm tội (tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, hoặc lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản). Khi đó, người cho vay tiền cần làm đơn tố giác gửi cơ quan điều tra, đề nghị tiến hành điều tra, nếu có đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm thì khởi tố vụ án hình sự theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, trên thực tế có không ít trường hợp, khi người vay không giữ đúng cam kết, xảy ra tranh chấp, thì người cho vay áp dụng cách đòi nợ kiểu “xã hội đen”, như: Bắt giữ người trái pháp luật hòng gây sức ép trả nợ, hoặc siết nợ, và điều này có thể sẽ bị xử lý hình sự về tội cướp tài sản hoặc cưỡng đoạt tài sản, bắt giữ người trái pháp luật.
Ông Đỗ Tấn Phước, Trưởng Phòng thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm án trị an, an ninh, ma túy, Viện KSND tỉnh, khuyến cáo: “Từ những vụ vay mượn dân sự, thỏa thuận làm ăn cùng nhau, khi phát sinh mâu thuẫn, nếu chủ nợ sử dụng những hành vi vi phạm pháp luật để thu hồi nợ thì, từ vụ việc dân sự thông thường rất có thể sẽ chuyển sang hình sự, mà đối tượng phạm tội trong vụ án chính là chủ nợ”.
Do vậy, để việc cho vay và đòi tiền cho vay diễn ra đúng pháp luật, ngoài việc người vay phải có tài sản thế chấp thì cần có giấy vay tiền và người làm chứng, để có đầy đủ căn cứ pháp lý nếu phát sinh mâu thuẫn và dẫn đến khởi kiện. Người cho vay không nên manh động đòi nợ bằng những hành vi trái pháp luật.
KIỀU ANH