Nâng cao chất lượng xây dựng Luật từ việc tường minh trách nhiệm
Nâng cao chất lượng xây dựng luật từ nhiều yếu tố nhưng trước hết là sự tường minh trách nhiệm từ người đứng đầu Chính phủ, các cơ quan Quốc hội.
Trách nhiệm giải trình trong quy trình xây dựng luật
Trong công tác lập pháp tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV có một điểm nhấn đó là, ngay trước thời điểm dự kiến thông qua dự án Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc, các đại biểu Quốc hội đã biểu quyết thông qua đề nghị điều chỉnh thời gian thông qua dự án luật này từ kỳ họp thứ 5 sang kỳ họp thứ 6. Đây là việc làm được đánh giá là cẩn trọng, thể hiện sự cầu thị, lắng nghe ý kiến cử tri của Quốc hội, Chính phủ.
Tuy vậy, qua sự việc này có thể thấy, một dự án luật nếu chưa được đánh giá tác động một cách sâu sắc, toàn diện sẽ rất khó đáp ứng những yêu cầu của thực tiễn, đòi hỏi của nhân dân, của cử tri. Lâu nay, việc lấy ý kiến nhân dân, chuyên gia, đánh giá tác động của dự thảo luật là bắt buộc trong quy trình xây dựng luật nhưng thực hiện còn hình thức.
Không phải ngẫu nhiên, đại biểu Bùi Văn Xuyền, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình cho rằng, các bộ ngành địa phương khi xây dựng, kiến nghị xây dựng luật làm chưa được thấu đáo. Quá trình làm, từ ý kiến của bộ ngành, ý kiến cá nhân, cơ quan quản lý nhà nước nhưng chưa tham khảo ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học. Đặc biệt các chuyên gia về luật pháp, các cơ quan hữu quan liên quan trực tiếp xây dựng luật pháp lệnh.
Đại biểu Bùi Văn Xuyền.
Cử tri và các chuyên gia pháp lý cho rằng, hoạt động của ban soạn thảo, sự phối hợp giữa cơ quan chủ trì soạn thảo với cơ quan, tổ chức hữu quan còn thiếu chặt chẽ và hình thức. Vì vậy một số dự án khi tiến hành thẩm tra, đối với các vấn đề còn có ý kiến khác nhau nhưng chưa được xem xét, giải trình, phân tích, phản biện kỹ lưỡng, còn chung chung dẫn đến tình trạng luật chuẩn bị được thông qua rồi nhưng nhiều đại biểu Quốc hội và cử tri còn băn khoăn, có ý kiến khác nhau khiến Quốc hội phải lùi thời hạn thông qua.
Luật sư Nguyễn Thị Mai (đoàn luật sư thành phố Hà Nội) nêu ý kiến: “Số lượng văn bản nhiều, nhưng nguồn lực để tổ chức triển khai thực hiện chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra. Chất lượng của các Bộ, ban ngành phối hợp với cơ quan soạn thảo, thẩm tra còn lỏng lẻo, có mức độ nhất định thời gian gấp gáp, không đủ thời gian nghiên cứu kỹ có sự đóng góp có chất lượng”.
Những hạn chế trong việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân trong xây dựng luật, báo cáo đánh giá tác động của dự thảo luật sơ sài khiến tình trạng xin lùi, xin rút ra khỏi chương trình xây dựng luật vẫn thường xảy ra.
Trong phiên thảo luận về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, đại biểu Nguyễn Phước Lộc (đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM) cho biết, tại kỳ họp thứ 4, ông đã gửi phiếu chất vấn 17 Bộ trưởng, đề nghị Bộ trưởng đánh giá về công tác pháp chế, và xây dựng pháp luật của Bộ.
Qua tổng hợp văn bản trả lời, 9/13 Bộ trưởng đánh giá số lượng nhân sự làm công tác pháp chế còn hạn chế, chưa kịp thời kiện toàn, 8/13 Bộ trưởng nhận định đội ngũ làm nhiệm vụ pháp chế cần phải bồi dưỡng nâng cao trình độ kiến thức chuyên môn làm công tác xây dựng Luật; 8/13 Bộ trưởng đánh giá cán bộ làm công tác pháp chế ít kinh nghiệm, tính chuyên nghiệp chưa cao, thiếu lực lượng chuyên gia có chuyên môn sâu về từng lĩnh vực; 4/13 Bộ trưởng thẳng thắn nhận định chất lượng một số đề án và văn bản chưa thực sự đáp ứng yêu cầu và tiến độ thực hiện.
Tính hình thức trong việc lấy ý kiến nhân dân trong xây dựng luật, những bất cập của quá trình soạn thảo, thẩm định, thẩm tra dự án luật dù được nhiều lần chỉ ra nhưng tính khắc phục chưa cao. Điều đó phản ánh tính kỷ luật, kỷ cương trong xây dựng luật.
Đại biểu Ngọ Duy Hiểu (đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội) đặt câu hỏi: Tại sao trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, đơn vị, tổ chức trong việc thực hiện, chấp hành luật chưa tốt đã xác định rõ nhưng trách nhiệm của những chủ thể trong xây dựng luật lại ít được nói đến. Cá nhân, cơ quan tham mưu ban hành chính sách không đáp ứng yêu cầu, thậm chí cản trở sự phát triển thường không bị xử lý?
Đại biểu Ngọ Duy Hiểu cho rằng, đó là sự không công bằng và ông đặt vấn đề thêm về trách nhiệm giải trình trong quy trình xây dựng luật.
Đại biểu Ngọ Duy Hiểu
“Thời gian qua, chúng tôi thấy nhiều ban soạn thảo đã tiếp thu, giải trình rất nghiêm túc ý kiến của các đại biểu Quốc hội, nhưng cũng có những ban soạn thảo giải trình, tiếp thu không đầy đủ. Chưa quan tâm đến những ý kiến cá biệt, những ý kiến còn khác nhau, đặc biệt là đối với những vấn đề lớn và những vấn đề quan trọng.
Có những ý kiến dù là cá biệt nhưng trong đó cũng hàm chứa những giá trị khoa học và những chân lý mà đôi khi phải thực tiễn và thời gian mới kiểm nghiệm, mới khẳng định được tính đúng sai. Do vậy, rất mong các ban soạn thảo trước những ý kiến còn khác biệt cần phải giải trình đến nơi, đến chốn, dù là cá biệt để làm cho đại biểu Quốc hội thấy thỏa đáng và được trân trọng các ý kiến của đại biểu Quốc hội” – ông Ngọ Duy Hiểu nói.
Tạo điều kiện cho người dân tham gia xây dựng luật.
Cũng nhìn nhận ở vấn đề trách nhiệm, đại biểu Trương Minh Hoàng, Phó chủ nhiệm Ủy ban khoa học công nghệ và môi trường cho rằng, từng khâu trách nhiệm phải rất rành mạch, cụ thể gắn với xem xét nguồn lực bảo đảm thực hiện. Phải phân công từ nguồn lực để đảm bảo vừa thẩm tra thế nào cho sâu, vừa soạn thảo cho đảm bảo. Quy trách nhiệm cho người đứng đầu của cơ quan chủ trì soạn thảo của luật, phải xác định việc được phân công, chủ trì soạn thảo. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm buộc phải làm.
Nhìn nhận những bất cập, hạn chế trong xây dựng luật, là đại biểu của hai nhiệm kỳ Quốc hội, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm (ĐBQH TPHCM) đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức hội nghị chuyên đề của Quốc hội để đánh giá toàn diện công tác xây dựng pháp luật từ đó tìm ra nguyên nhân, có những giải pháp để khắc phục hạn chế, yếu kém kéo dài.
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần giải trình làm rõ nội dung mà Thường vụ Quốc hội đã nêu về trách nhiệm các Ủy ban. Bà cảm thấy lo về vấn đề các cơ quan thẩm tra Quốc hội trong một số trường hợp chưa thực sự thẳng thắn, thiếu kiên quyết, còn hiện tượng nể nang, ngại va chạm, xuôi theo ý kiến cơ quan soạn thảo, tính phản biện chưa cao, báo cáo thẩm tra chưa sâu. “Như vậy, có một số đại biểu của các Ban hay các cơ quan của các Ủy ban, tác động vấn đề này như thế nào trong việc xây dựng pháp luật thời gian vừa qua” – bà Quyết Tâm cho biết.
Ông Nguyễn Văn Luật (câu lạc bộ Thăng Long) mong muốn, Quốc hội, từng đại biểu Quốc hội chủ động hơn nữa trong công tác xây dựng luật, không để xảy ra tình trạng sai sót khi ban hành các văn bản pháp luật. Để xảy ra sai sót trong công tác xây dựng pháp luật Quốc hội chỉ đạo, cần làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, tập thể, trách nhiệm của cơ quan xem sai sót ở khâu nào để rút kinh nghiệm, khắc phục hoàn thiện hơn nữa công tác xây dựng pháp luật, để luật ban hành là phải đi vào cuốc ống, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế của đất nước.
Để luật được ban hành đi vào cuộc sống, được người dân đồng tình ủng hộ, luật sư Nguyễn Hữu Châu (Liên đoàn luật sư Việt Nam) đề nghị cần tăng cường công khai minh bạch, tạo điều kiện hơn nữa cho người dân tham gia vào quá trình xây dựng luật.
Việc lùi chưa thông qua một số dự án luật đã cho thấy sức tác động của dự luật với đời sống kinh tế, chính trị, xã hội cũng như đòi hỏi của nhân dân, của cử tri đối với mỗi dự án luật ngày càng cao. Nâng cao chất lượng xây dựng luật từ nhiều yếu tố nhưng trước hết là sự tường minh trách nhiệm từ người đứng đầu Chính phủ cho đến các bộ, ngành, các cơ quan Quốc hội./.
Theo Vân Hồng (VOV1)