Vì sao đấu giá quyền khai thác mỏ cát còn quá ít?
Luật Khoáng sản 2010 quy định đấu giá quyền khai thác khoáng sản (trong đó có mỏ cát) được ban hành với nhiều kỳ vọng sẽ giảm thiểu cơ chế “xin - cho”. Tuy nhiên cho tới nay, số lượng mỏ cát thực hiện đấu giá ở tỉnh ta vẫn khá khiêm tốn. PV Báo Bình Ðịnh có cuộc phỏng vấn ông Huỳnh Quang Vinh, Phó Giám đốc Sở TN&MT xung quanh vấn đề này.
Số lượng mỏ cát đấu giá còn ít
* Hiện nay nhiều tỉnh tiến hành đấu giá các mỏ cát nhằm tăng nguồn thu ngân sách và ngăn chặn tình trạng “xin - cho” của các DN. Vậy xin ông cho biết tỉnh ta có tiến hành đấu giá các mỏ cát trước khi cấp giấy phép không?
- Trong năm 2017, thực hiện theo quy định của Luật Khoáng sản và quy định của Nghị định số 22/2012/NĐ-CP ngày 26.3.2012 của Chính phủ, UBND tỉnh đã tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với 3 mỏ cát làm vật liệu xây dựng thông thường, trong đó, có 2 mỏ đã có đơn vị trúng đấu giá, gồm mỏ cát trên sông Côn qua xã Bình Thành và Bình Hòa (Tây Sơn) và mỏ cát ở xã Cát Lâm (Phù Cát); 1 mỏ không có đơn vị nào tham gia đấu giá, Sở TN&MT sẽ đề xuất UBND tỉnh tiếp tục đấu giá điểm mỏ này vào kỳ đấu giá tiếp theo.
Hiện nay, thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở TN&MT phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh và chính quyền địa phương đang tiến hành khảo sát, lựa chọn các điểm mỏ khoáng sản trên địa bàn tỉnh có khả năng khai thác và phù hợp với quy hoạch khoáng sản của tỉnh để phục vụ cho việc tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản năm 2018-2019.
Một mỏ cát trên sông Hà Thanh (xã Phước Thành, huyện Tuy Phước) được cấp quyền khai thác cho doanh nghiệp không thông qua đấu giá.
* Như vậy, cho thấy số lượng mỏ cát trên địa bàn tỉnh được đưa ra đấu giá còn ít. Ông có thể lý giải thêm về điều này?
- Trước tiên, tôi khẳng định rằng việc đấu giá quyền khai thác mỏ cát sẽ khắc phục tình trạng “xin - cho” trong cấp giấy phép khai thác khoáng sản nói chung và cát, sỏi lòng sông nói riêng như bấy lâu nay; chống cơ hội đầu cơ xin cấp mỏ, găm mỏ chờ cơ hội chuyển nhượng để trục lợi, tạo sự công khai, minh bạch, bình đẳng trong công tác quản lý, cấp phép hoạt động khoáng sản. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về khoáng sản, tăng thu ngân sách cho Nhà nước từ tiền trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản,...
Tuy nhiên, công tác này ở tỉnh ta đang gặp một số khó khăn nhất định. Chẳng hạn như hiện nay, các tài liệu điều tra, khảo sát, thăm dò địa chất tại các khu vực có triển vọng khoáng sản rất ít và chủ yếu ở tỉ lệ nhỏ 1/200.000, 1/50.000. Do đó, khi bắt đầu triển khai đấu giá mỏ tại các khu vực chưa được thăm dò thì khó xác định giá trị khởi điểm của mỏ và thẩm quyền cấp phép khai thác sau này. Ngoài ra, ngân sách của tỉnh đầu tư cho việc thăm dò các mỏ khoáng sản có triển vọng rất hạn hẹp nên cần có sự xã hội hóa trong việc thăm dò khoáng sản.
Vì vậy, thời gian tới Sở TN&MT sẽ kiến nghị, đề xuất Chính phủ, Bộ TN&MT, UBND tỉnh tăng cường công tác điều tra, khảo sát, thăm dò địa chất tại các khu vực có triển vọng khoáng sản trên địa bàn tỉnh để công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản đạt hiệu quả cao hơn nữa.
Công khai, minh bạch việc đấu giá mỏ cát
* Để các đơn vị tham gia đấu giá quyền khai thác mỏ cát diễn ra công khai, minh bạch, bình đẳng, Sở TN&MT sẽ thực hiện những phần việc gì?
- Trước hết, Sở TN&MT sẽ trình UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh trong kỳ đấu giá; phê duyệt giá khởi điểm tạm tính, bước giá và tiền đặt trước của các mỏ theo kế hoạch đấu giá được phê duyệt. Đồng thời, chúng tôi cũng thông báo rộng rãi trên các phương tiện đại chúng các văn bản về việc nộp hồ sơ tham gia tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Bên cạnh đó, công tác bán hồ sơ đấu giá quyền khai thác khoáng sản, để tổ chức, cá nhân có nhu cầu mua hồ sơ tham dự phiên đấu giá quyền khai thác khoáng sản cũng được thông tin sâu rộng trên website Sở TN&MT và tại các phòng TN&MT các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.
* Còn điều kiện để tham gia đấu giá quyền sử dụng khai thác mỏ cát, thưa ông?
- Để được tham gia đấu giá, tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá mỏ cát các đơn vị phải đáp ứng các điều kiện theo quy định tại Điều 13, Quyết định số 16/2016/QĐ-UBND ngày 3.2.2016 của UBND tỉnh về việc ban hành quy chế đấu giá quyền khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh như: Đơn đề nghị tham gia đấu giá quyền khai thác khoáng sản; Giấy đăng ký kinh doanh (có ngành nghề khai thác khoáng sản); Văn bản giới thiệu năng lực, kinh nghiệm trong thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản; Giới thiệu năng lực tài chính và khả năng huy động tài chính; Kế hoạch sơ bộ về đầu tư thăm dò, khai thác, chế biến, tiêu thụ sản phẩm và bản cam kết thực hiện nếu trúng đấu giá; Bản cam kết thực hiện dự án; Cam kết về thiết bị, công nghệ khai thác, chế biến khoáng sản và phương án tiêu thụ sản phẩm phù hợp với quy định trong hồ sơ mời đấu giá. Trước khi tham gia đấu giá, tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá phải nộp phí tham gia đấu giá quyền khai thác khoáng sản theo quy định.
* Xin cảm ơn ông!
Ðến nay, UBND tỉnh cấp 55 Giấy phép khai thác cát làm vật liệu xây dựng thông thường cho 51 DN khai thác, trung bình quy mô mỗi mỏ khoảng 2,72 ha, trữ lượng khoảng 60.000m3/mỏ, thời hạn khai thác của các giấy phép là 2 năm. Các khu vực được cấp phép đã tính đến khoảng cách an toàn để đảm bảo hoạt động khai thác không gây sạt lở và độ sâu khai thác từ 1,5-2,5m (việc này được các cơ quan chuyên môn của tỉnh như Sở NN&PTNT, Sở Xây dựng thẩm định, thống nhất vị trí). Hoạt động khai thác cát được cấp phép phù hợp với quy hoạch và được quản lý đúng theo quy định của Luật Khoáng sản và các pháp luật khác có liên quan.
TRỌNG LỢI (Thực hiện)