Phòng bệnh viêm tai giữa cấp
Viêm tai giữa là một trong những bệnh hay gặp nhất ở độ tuổi thiếu niên, thường xảy ra sau khi bị viêm mũi, viêm họng. Tuy viêm tai giữa cấp rất đau nhưng lại khó nhận biết mức độ đau do trẻ khó diễn đạt chính xác cơn đau.
Tai giữa ở phía sau màng nhĩ (ảnh), gồm 3 xương rất nhỏ truyền rung động từ màng nhĩ vào tai trong, chuyển đổi thành xung động thần kinh giúp ta nghe được. Tai giữa thông với họng mũi bởi vòi nhĩ. Vòi nhĩ giúp cân bằng áp lực trong tai giữa và ngoài tai, làm khô dịch ở tai giữa.Viêm tai xảy ra sau khi trẻ bị viêm mũi, viêm họng, dịch viêm vào tai giữa qua đường vòi nhĩ. Khi vòi nhĩ bị viêm, tai giữa bị ứ dịch. Sự ứ dịch ảnh hưởng tới thính lực của trẻ, do màng nhĩ và các xương nhỏ ở tai giữa giảm khả năng truyền rung động âm thanh trong dịch. Mặt khác, dịch đọng lại ở tai giữa tạo môi trường lý tưởng cho vi khuẩn và virus phát triển gây bệnh. Dịch viêm và mủ chèn ép tai làm cho trẻ đau nhức.
Bác sĩ CKII Nguyễn Thành Long - Trưởng khoa Tai mũi họng, BVĐK tỉnh - cho biết: “Đối với trẻ dưới 12 tháng tuổi, các triệu chứng viêm tai giữa có thể là: sốt, quấy khóc, biếng bú, chạm vào tai đau khóc thét lên, dễ nôn, đi cầu phân lỏng… Trẻ lớn hơn khi bị viêm tai giữa cấp có biểu hiện mệt mỏi, than đau tai, cơn đau thường tăng hơn từ nửa đêm về sáng làm trẻ quấy khóc, mất ngủ. Sau 24 giờ có thêm biểu hiện ù tai và nghe giảm. Trẻ chán ăn, có biểu hiện chóng mặt hoặc mất thăng bằng”.
Để xử trí khi trẻ kêu đau tai kéo dài hơn 1 ngày hoặc kèm theo sốt, nên đưa bé đi khám ở chuyên khoa tai mũi họng. Nếu nhìn thấy máu và mủ chảy ra tai là dấu hiệu trẻ đã bị thủng màng nhĩ. Khi chăm sóc bé từ 4 - 24 tháng tuổi, cần cảnh giác với dấu hiệu mất ngủ, cáu kỉnh và kém ăn sau khi trẻ bị ho và chảy mũi. Nên đến cơ sở y tế để bác sĩ nội soi kiểm tra màng nhĩ, chẩn đoán bệnh, với trẻ lớn hơn làm thêm thính lực đồ để xác định dấu hiệu mất nghe ở trẻ.
Nhiễm khuẩn kéo dài hoặc tái phát mà không được điều trị kịp thời làm tổn thương màng nhĩ, xương tai và cấu trúc tai giữa, gây điếc nặng. “Vì vậy, khi trẻ có biểu hiện chảy mũi và ho cần được điều trị để tránh biến chứng viêm tai giữa. Khi có dịch nhiễm virus đường hô hấp cần cho trẻ nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý NaCl 0,9%, tránh cho trẻ hít phải khói thuốc lá. Các bà mẹ nên nuôi con bằng sữa mẹ ít nhất trong năm đầu vì sữa mẹ truyền miễn dịch, giúp bảo vệ trẻ chống lại viêm nhiễm đường hô hấp và các bệnh nhiễm khuẩn khác”, BS Long khuyến cáo.
THÙY VY (Trung tâm TT - GDSK tỉnh)