Hướng đến giám sát chặt chẽ, phản biện thực chất
Hoạt động giám sát của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội cần được tiến hành chặt chẽ, đúng quy trình, quy định. Trong khi đó, hoạt động phản biện phải gắn với thực tiễn, mang tính chuyên sâu cao.
Đó là nội dung quan trọng được đề cập trong chuyến kiểm tra, khảo sát vào ngày 22.6 của Đoàn công tác Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam về việc thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW, Quyết định số 218-QĐ/TW ngày 12.12.2013 của Bộ Chính trị (khóa XI) về giám sát, phản biện xã hội và góp ý xây dựng Đảng, chính quyền của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Giám sát nhiều nội dung cấp thiết
Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Kim Toàn, Quyết định 217 và Quyết định 218 như “chìa khóa” mở rộng cửa để MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội thực hiện chức năng giám sát, phản biện xã hội và góp ý xây dựng Đảng, chính quyền. Qua đó, thể hiện được vai trò cụ thể, không còn chung chung như trước.
Quang cảnh buổi kiểm tra, khảo sát về kết quả giám sát, phản biện xã hội và góp ý xây dựng Đảng, chính quyền của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Đặc biệt, từ hiệu quả của các hoạt động giám sát, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các huyện đã tổ chức được những buổi đối thoại kịp thời, chất lượng xung quanh các vấn đề được đông đảo người dân quan tâm. Qua đó, góp phần “hạ nhiệt” các điểm nóng, rút ngắn khoảng cách giữa Đảng, chính quyền với nhân dân.
Trong giai đoạn 2014 - 2018, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã thành lập 14 đoàn, tổ chức giám sát 89 cuộc với 14 nội dung. Riêng năm 2018 đã triển khai giám sát 3 nội dung: tình hình khai thác cát và công tác quản lý, kiểm tra, xử lý việc khai thác cát trên địa bàn tỉnh năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018; vấn đề quản lý, tổ chức dạy thêm, học thêm trong ngành giáo dục; việc thực hiện chính sách hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo và người có công trên địa bàn tỉnh.
Trong khi đó, ở cấp huyện, hoạt động giám sát cũng có nhiều dấu ấn tích cực. Từ năm 2015 đến nay, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Quy Nhơn đã chủ trì, phối hợp với các tổ chức thành viên của Mặt trận thành lập 12 đoàn giám sát các nội dung được người dân quan tâm. Điển hình như giám sát việc tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân tại 6 phường, xã (Ghềnh Ráng, Đống Đa, Hải Cảng, Bùi Thị Xuân, Nhơn Hải, Phước Mỹ); giám sát việc cấp thẻ BHYT cho hộ nghèo tại phường Thị Nại, Trần Phú, Trần Quang Diệu và xã Nhơn Lý…
Nâng cao hiệu quả phản biện
Dù đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhưng hoạt động giám sát, phản biện của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên vẫn còn một số hạn chế nhất định, nhất là về phản biện. “Công tác phối hợp, triển khai thực hiện chưa được quan tâm, nhất là việc phối hợp xây dựng kế hoạch phản biện xã hội hằng năm còn lúng túng. Nguyên nhân chủ yếu là do công tác tham mưu cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo chưa sâu sát. Đồng thời, năng lực chuyên môn và kinh nghiệm thực tiễn trong phản biện xã hội của đội ngũ cán bộ Mặt trận và đoàn thể còn hạn chế”, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Quy Nhơn Trần Thị Như Hoa thẳng thắn thừa nhận.
Xung quanh vấn đề này, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực cho rằng, các cơ quan chủ trì soạn thảo các văn bản, đề án, dự án cần phải chủ động mời tổ chức MTTQ Việt Nam tham gia ngay từ đầu và xuyên suốt quá trình soạn thảo. Ông Thực cho rằng, hiệu quả phản biện không thể có được khi tổ chức Mặt trận chỉ được tham gia góp ý lúc các văn bản đã hoàn thành. “Việc phản biện phải thật sự kiên trì, không chỉ loanh quanh hình thức văn bản, lỗi chính tả nhỏ lẻ, mà phải có vai trò định hướng nội dung cụ thể ngay từ đầu”, ông Thực nói.
Ông Ngô Sách Thực cũng nêu quan điểm về hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng ở khu dân cư. Cụ thể, phải đánh giá chính xác hiệu quả hoạt động ở từng nơi để nhân rộng những cách làm hay, chấn chỉnh các mặt yếu kém. Trong điều kiện khó khăn về nhân lực, có thể bố trí người có năng lực ở cả “2 vai”, tham gia cả 2 ban. Và, quan trọng là phải phát triển, huy động và tận dụng được lực lượng tham gia hiệu quả vào hoạt động giám sát, phản biện xã hội mà vẫn đảm bảo không tăng biên chế.
NGUYỄN VĂN TRANG