Người Việt thiếu vi chất dinh dưỡng trầm trọng
Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với những thách thức như tỉ lệ suy dinh dưỡng thấp còi vẫn còn ở mức cao, chiều cao trung bình còn ở mức khiêm tốn. Nguyên nhân quan trọng đó là bữa ăn của người Việt thiếu vi chất dinh dưỡng (VCDD) rất trầm trọng. Mới đây, đại diện tổ chức Unicef tại Việt Nam lên tiếng cảnh báo về tình trạng này.
Cán bộ y tế bổ sung vitamin A tại nhà cho trẻ.
Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, tỉ lệ suy dinh dưỡng thấp còi (chiều cao theo tuổi) ở trẻ em dưới 5 tuổi tính chung cả nước mỗi năm giảm 1%, nhưng vẫn còn ở mức cao (24,3% năm 2016), chiều cao trung bình của nam và nữ của Việt Nam là 1,64m và 1,55m thấp hơn các nước phát triển như Trung quốc (1,70m và 1,59m), Nhật bản (1,72m và 1,58m), Singapore (1,71m và 1,60m).
“Thiếu VCDD còn ảnh hưởng xấu tới sức khỏe, tới sự phát triển thể lực, tầm vóc, trí tuệ, cản trở sự tăng trưởng và phát triển toàn diện của trẻ em và khả năng sinh sản cũng như năng suất lao động của người lớn. Thiếu vi chất dinh dưỡng là nguyên nhân quan trọng nhất dẫn tới chậm phát triển chiều cao ở các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam”- PGS.TS Lê Danh Tuyên, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia nói.
Theo Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia: Thực trạng về thiếu vi chất dinh dưỡng ở Việt Nam cho thấy những con số đáng lo ngại. Cụ thể, là thiếu vitamin A, thiếu máu, thiếu kẽm, thiếu vitamin D, can xi và là 1 trong 19 nước thiếu i ốt trầm trọng nhất thế giới. Đặc biệt, thực tế đáng báo động về tình trạng thiếu hụt i ốt đã quay trở lại Việt Nam.
Đại diện UNICEF khuyến nghị người dân nên bổ sung i ốt vào thực phẩm ăn hàng ngày. Bên cạnh đó, việc sản xuất thực phẩm của DN cũng nên bổ sung i ốt bởi nếu không về tương lai, điều này sẽ gây ra hệ lụy khôn lường.
Theo Lao động