Tổng kết 10 năm thực hiện nghị quyết 27-NQ/TW: Ðội ngũ trí thức phát triển cả chất và lượng
Trong 10 năm qua, đội ngũ trí thức tỉnh Bình Ðịnh từng bước phát triển về số lượng và chất lượng; đã có những đóng góp quan trọng trên tất cả các lĩnh vực, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong thúc đẩy phát triển KT-XH và xây dựng hệ thống chính trị của tỉnh.
Những kết quả ấn tượng
Theo báo cáo của Tỉnh ủy Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 27-NQ/TW (NQ 27) ngày 6.8.2008 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa X) về “Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, trước khi NQ 27 được ban hành, các cơ quan nhà nước toàn tỉnh có 10.324 người có trình độ từ cao đẳng trở lên, chiếm 44,3% tổng số cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh (trong đó, có 13 tiến sĩ, 388 thạc sĩ, 25 bác sĩ chuyên khoa II và 309 bác sĩ chuyên khoa I). Ðến năm 2017, toàn tỉnh có 23.798 người có trình độ từ cao đẳng trở lên, chiếm 83,1% tổng số cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh (trong đó, có 228 tiến sĩ, 1.928 thạc sĩ, 122 bác sĩ chuyên khoa II và 384 bác sĩ chuyên khoa I), tăng 13.474 người so với thời điểm trước khi ban hành NQ 27.
Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành đã tổ chức thành công hàng chục hội nghị, hội thảo khoa học, góp phần thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học, xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức của tỉnh.
- Trong ảnh: Hội thảo quốc tế về môi trường do Bộ KH&CN, Bộ TN&MT, Hội Gặp gỡ Việt Nam và UBND tỉnh Bình Định tổ chức năm 2017. Ảnh: VĂN LƯU
Làm việc với đoàn công tác liên ngành của Trung ương do ông Phùng Đức Tiến, Phó Chủ tịch Ủy ban Khoa học - công nghệ và môi trường của Quốc hội, làm trưởng đoàn mới đây, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng đánh giá sự tăng trưởng của đội ngũ trí thức tỉnh Bình Định là một điểm sáng, rất ấn tượng.
Không chỉ lớn mạnh về số lượng, đội ngũ trí thức trong tỉnh đã có những đóng góp quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Trong
10 năm qua (2008 - 2018), tỉnh Bình Định đã thực hiện 145 đề tài, dự án; trong đó có 1 đề tài GD&ĐT, 48 đề tài y dược, 25 đề tài khoa học xã hội nhân văn, 8 đề tài khoa học tự nhiên, 21 đề tài kỹ thuật và công nghệ, 42 đề tài nông nghiệp. Bà Nguyễn Thị Kim Oanh, Phó Giám đốc Sở KH&CN, cho biết: “Hầu hết các đề tài, dự án đều được triển khai, ứng dụng vào đời sống và đóng góp tích cực vào tăng trưởng GRDP của tỉnh”.
Một điểm sáng nữa của tỉnh là Hội Gặp gỡ Việt Nam triển khai xây dựng Trung tâm Quốc tế Khoa học và giáo dục liên ngành (ICISE) tại TP Quy Nhơn. Hoạt động từ 8.2013, đến nay, Trung tâm đã tổ chức thành công 74 hội nghị, hội thảo khoa học, lớp học chuyên đề quốc tế, thu hút hàng ngàn nhà khoa học trong nước và ngoài nước tham dự, trong đó có nhiều nhà khoa học đoạt giải Nobel. Bên cạnh đó, Liên hiệp các hội KH&KT tỉnh có 29 tổ chức thành viên với khoảng 60.000 hội viên hoạt động trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có nhiều cán bộ KHKT có trình độ cao. Liên hiệp các hội KH&KT tỉnh đã không ngừng tập hợp, đoàn kết, phát huy tiềm năng, trí tuệ của trí thức trong việc tham gia hoạch định các chủ trương, chính sách của tỉnh; tổ chức thực hiện có hiệu quả nhiều hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ KH&CN vào sản xuất, đời sống và bảo vệ môi trường.
Đãi ngộ và tôn vinh trí thức
Để tạo điều kiện, môi trường cho đội ngũ trí thức phát huy năng lực, hoạt động sáng tạo, cấp ủy các cấp đã chỉ đạo UBND cùng cấp bổ sung, hoàn thiện nhiều cơ chế, chính sách phù hợp với thực tế địa phương, nhằm đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực; mở rộng hợp tác và giao lưu quốc tế về KH&CN.
Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng cho rằng, trong những năm qua, tỉnh đã làm tốt việc thực hiện chính sách trọng dụng, đãi ngộ và tôn vinh trí thức. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quan tâm chỉ đạo các địa phương, đơn vị tiến hành rà soát, đánh giá, trên cơ sở đó có kế hoạch bố trí, sử dụng đội ngũ trí thức hợp lý. Hàng năm, căn cứ nhu cầu thực tiễn, tỉnh đã tuyển dụng công khai, minh bạch để bổ sung kịp thời đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương. Trong đó, ưu tiên những người có chuyên môn, nghiệp vụ giỏi phù hợp với vị trí, chức danh cần tuyển.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được triển khai chặt chẽ từ tỉnh đến cơ sở, phù hợp với từng đối tượng, vị trí việc làm, tiêu chuẩn ngạch, chức danh và nhu cầu của từng cơ quan, đơn vị, địa phương.
10 năm qua, Bình Ðịnh đã có nhiều cơ chế, chính sách xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức. Nhờ đó, sự tăng trưởng của đội ngũ trí thức ở Bình Ðịnh rất ấn tượng. Ðội ngũ trí thức đã và đang có những đóng góp rất lớn trong phát triển KT-XH ở địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn những tồn tại, như cơ chế, chính sách còn chồng chéo, năng lực tổ chức thực hiện còn hạn chế, kể cả Trung ương và địa phương. Việc thu hút nhân lực trình độ cao còn có hiện tượng chảy máu chất xám; chuyên gia đầu ngành, giỏi còn rất thiếu nhưng đào tạo chưa cân đối. Ðầu tư cho KHCN vẫn còn hạn chế. Ðóng góp của đội ngũ trí thức vẫn chưa xứng tầm và đúng tiềm năng.
Ông PHÙNG ĐỨC TIẾN (Phó Chủ tịch Ủy ban Khoa học - công nghệ và môi trường của Quốc hội)
MINH QUANG