NHÌN LẠI KỲ THI THPT QUỐC GIA NĂM 2018:
Vẫn mong giảm bớt áp lực thi cử !
Có thể nói, nhờ công tác chuẩn bị kỹ lưỡng, sự phối hợp hiệu quả và sự chung tay của toàn xã hội, việc tổ chức kỳ thi THPT cấp quốc gia đã thành công.
Trong ba ngày (25-27.6), cùng với cả nước, 17.843 thí sinh (TS) trong toàn tỉnh đã tham gia kỳ thi THPT quốc gia năm 2018. Theo thống kê của Hội đồng thi tại Bình Định, trong 5 buổi thi, đã có 308 lượt TS vắng mặt và 2 TS vi phạm quy chế thi do sử dụng điện thoại di động trong phòng thi.
Trong suốt những ngày thi, những điểm mới của đề thi là điều khiến nhiều thí sinh lo lắng nhất.
Đảm bảo điều kiện phục vụ TS
Năm nay là năm thứ hai Bộ GD&ĐT giao cho các địa phương chủ trì tổ chức kỳ thi này để lấy kết quả dùng cho hai mục đích - vừa xét tốt nghiệp THPT, vừa xét tuyển đại học. Năm nay, Bộ đưa ra một số điểm mới liên quan đến việc đăng ký dự thi, coi thi, chấm thi, bố trí kinh phí cho kỳ thi…
Trong số các điểm thi năm nay, điểm thi Trường THPT Ngô Lê Tân (huyện Phù Cát) lần đầu tiên tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT cho học sinh của trường. Dù vậy, mọi việc đều diễn ra suôn sẻ. Ông Trương Văn Dự, Trưởng điểm thi Trường THPT Ngô Lê Tân trao đổi: “Đội ngũ cán bộ coi thi gồm cán bộ, giảng viên, giáo viên Trường ĐH Quy Nhơn, Trường ĐH Quang Trung và một số trường THPT đã thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. TS dự thi đều nghiêm túc, chấp hành tốt quy chế thi!”.
So với năm ngoái, mọi việc năm nay được tiến hành nhẹ nhàng, hợp lý hơn. Hội đồng thi đã bố trí các điểm thi nhằm tạo thuận lợi nhiều nhất cho việc dự thi của TS. Trong suốt những ngày thi, lực lượng thanh niên tình nguyện, lực lượng CA, đội ngũ y bác sĩ túc trực trong và ngoài trường thi, mọi thông tin liên tục được cập nhật.
Ông Đào Đức Tuấn - Giám đốc Sở GD&ĐT chân thành: “Chính quyền các địa phương bố trí lực lượng hỗ trợ hiệu quả cho hoạt động các điểm thi đóng trên địa bàn. Nhiều người dân cung cấp chỗ ở, cơm ăn, nước uống miễn phí cho TS và cả người nhà. Tất cả đều hết lòng, hết sức vì TS”.
Nguồn: BTV
Mong giảm bớt áp lực thi cử
Dù có những thành công nhất định, nhưng áp lực thi cử vẫn đè nặng lên TS từ những đề thi khó và dài, khiến không ít TS khốn đốn.
Theo một số giáo viên dạy Toán, đề thi môn Toán năm nay tuy lượng kiến thức vẫn bám sát chương trình nhưng cách hỏi quá lạ lẫm và có phần “quá tầm” học sinh THPT, vì thế đã có học sinh nhận xét “đề thi có những câu quá cao siêu”. Cũng theo các TS, đề thi môn Sinh “vừa khó vừa dài”, còn đề thi môn Lịch sử “thì cực kỳ gây rối khi yêu cầu chọn câu đúng nhất, nhưng lại thấy câu nào cũng đúng cả”.
Nhiều phụ huynh đứng chờ con bên ngoài trường thi tâm sự: Đề thi mỗi năm mỗi khác, mỗi năm mỗi khó. Sự thay đổi đôi khi khá gấp gáp đã tạo áp lực lớn lên việc học hành bởi hiện tại vẫn chưa thoát ra được kiểu “học để thi”.
Việc tổ chức kỳ thi THPT cấp quốc gia đã thành công tốt đẹp, nhưng nó chỉ trọn vẹn khi Hội đồng thi tiến hành công tác chấm thi, phúc khảo, đến lúc ấy, mới có thể nói rằng chúng ta đã có một kỳ thi trọn vẹn. Nhiều phụ huynh ngay từ giờ đã hy vọng: Mong rằng, mọi việc sẽ tiếp tục tốt đẹp với đội ngũ giám khảo làm việc khách quan, trung thực. Và mong ngành giáo dục sau mỗi kỳ thi tiến hành tổng kết, rút kinh nghiệm nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng dạy - học.
Năm nay, lần đầu tiên Bộ GD&ÐT yêu cầu Trường ÐH Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh cử 430 giảng viên về Bình Ðịnh làm công tác coi thi. PGS.TS Ðỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng nhà trường là Phó trưởng ban chỉ đạo kỳ thi cấp tỉnh trao đổi: “Công tác chuẩn bị của địa phương rất bài bản - từ khâu tập huấn đến công tác phối hợp, thanh tra rất sâu sát, nhiệm vụ các đồng chí lãnh đạo trong ban coi thi được quy định rất cụ thể. Cơ sở vật chất các điểm thi tương đối tốt, TS và người nhà được tạo nhiều điều kiện thuận lợi. Riêng với lực lượng cán bộ, giảng viên của nhà trường ra đây làm nhiệm vụ, tất cả đều hài lòng về nơi ăn, chỗ ở, yên tâm thực hiện tốt công việc được giao”.
NGỌC TÚ