Khiếu nại, tố cáo trong xét xử, thi hành án: Gia tăng, phức tạp
Tình hình khiếu nại, tố cáo liên quan đến hoạt động xét xử, thi hành án dân sự thời gian qua có xu hướng tăng và phức tạp. Ðó là thông tin đáng chú ý qua hoạt động giám sát của Ban Pháp chế (HÐND tỉnh) về giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo trong công tác xét xử, thi hành án hành chính và thi hành án dân sự giai đoạn 2015 - 2017.
Cả 9 vụ án có KN kéo dài chưa giải quyết dứt điểm của ngành Tòa án đều thuộc trách nhiệm giải quyết của TAND huyện Hoài Nhơn.
- Trong ảnh: Cán bộ TAND huyện Hoài Nhơn tiếp nhận đơn thư của người dân.
Đoàn giám sát đã làm việc trực tiếp tại TAND tỉnh, TAND TP Quy Nhơn, Cục Thi hành án dân sự (THADS) tỉnh, Chi cục THADS TP Quy Nhơn và các huyện Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Nhơn.
Theo đánh giá chung, công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo (KNTC) trong xét xử, THA hành chính, THADS được quan tâm thực hiện và đạt được kết quả tốt. Công tác tiếp dân được thực hiện định kỳ, thường xuyên theo quy định; tỉ lệ giải quyết đơn thư KNTC đạt 100% đối với ngành Tòa án và 98,5% đối với ngành THADS.
Nhiều vụ kéo dài, gây bức xúc
Trong giai đoạn 2015 - 2017, các cơ quan THADS trong tỉnh đã tiếp nhận 324 đơn KNTC. Trong khi đó, TAND 2 cấp đã thụ lý, giải quyết 232 đơn KNTC. Việc KNTC liên quan đến hoạt động xét xử, THADS thời gian qua có xu hướng tăng và phức tạp hơn so với trước đây. Một số vụ việc về tranh chấp đất đai, tài sản phức tạp, kéo dài, chưa được giải quyết dứt điểm, gây bức xúc trong nhân dân.
Đến nay, tại các cơ quan THADS trong tỉnh còn 5 vụ việc KNTC về THADS phức tạp, kéo dài theo Quyết định số 549/QĐ-TCTHADS ngày 16.5.2017 của Tổng cục THADS (Bộ Tư pháp). Trong đó, thuộc thẩm quyền giải quyết của Chi cục THADS huyện Phù Cát có 2 vụ; Chi cục THADS huyện Tây Sơn, huyện Hoài Nhơn và Cục THADS tỉnh mỗi đơn vị có 1 vụ.
Đáng chú ý, cả 9 vụ án có KN kéo dài chưa giải quyết dứt điểm của ngành Tòa án đều thuộc trách nhiệm giải quyết của TAND huyện Hoài Nhơn; tập trung ở các lĩnh vực tranh chấp quyền sử dụng đất, phân chia di sản thừa kế. Đặc biệt, có vụ án đã qua 4 lần xét xử trong 5 năm nhưng vẫn bế tắc (vụ ông Võ Bình ở khối 1, thị trấn Tam Quan yêu cầu Tòa án xét xử vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất giữa ông và bà Trần Thị Thiệm - mẹ ông Bình).
Lãnh đạo TAND tỉnh đã chỉ đạo TAND huyện Hoài Nhơn tập trung phân tích nguyên nhân vụ án kéo dài để có hướng giải quyết dứt điểm. Theo Chánh án TAND huyện Hoài Nhơn Trần Hữu Thảo, đến nay có vụ án đã lên lịch và xét xử trong tháng 4.2018 (vụ bà Nguyễn Thị Hạnh ở Diễn Khánh, Hoài Đức); một số vụ thẩm phán đang tiếp tục làm việc với các bên liên quan (vụ bà Trần Thị Ứng ở Nhuận An, Hoài Hương; vụ ông Võ Bình ở khối 1, thị trấn Tam Quan; vụ ông Phạm Xuân Năm ở Tường Sơn, Hoài Sơn); chờ hướng dẫn của cấp trên (vụ ông Nguyễn Hoa ở Lâm Trúc 1, Hoài Thanh)…
Tại cả đôi bên
Theo các cơ quan chức năng, tình hình KNTC nói chung và KNTC liên quan đến hoạt động tư pháp sẽ còn diễn biến phức tạp. Chánh án TAND tỉnh Đặng Công Lý cho biết, trình độ hiểu biết pháp luật của một số đương sự còn hạn chế nên nhiều trường hợp cơ quan có thẩm quyền đã kết luận vụ, việc giải quyết đúng pháp luật, đã đối thoại, giải thích và trả lời nhiều lần nhưng đương sự vẫn không đồng ý, tiếp tục gửi đơn KN làm cho một số vụ, việc trở thành phức tạp.
“Nhiều trường hợp đương sự không hợp tác với Tòa án, không chịu thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình khi tham gia tố tụng khiến cho việc thu thập chứng cứ của Tòa án gặp khó khăn và chậm trễ. Song, cũng phải kể đến sự phối hợp công tác của các cơ quan chuyên môn có liên quan trong việc xác minh, thu thập chứng cứ nhiều lúc còn chậm, khiến đương sự có đơn thư cho rằng Tòa án cố tình kéo dài vụ việc”, ông Lý nói.
Còn theo Phó Cục trưởng Cục THADS tỉnh Ngô Dũng, một trong những nguyên nhân ảnh hưởng trực tiếp và làm phát sinh KNTC là nhiều bản án, quyết định của Tòa án đã được tổ chức THA xong lại bị Tòa án, Viện KSND cấp trên kháng nghị yêu cầu xét xử lại theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm, có nhiều trường hợp kéo dài nhiều năm liền nhưng vụ án vẫn chưa được xét xử xong.
“Nhiều trường hợp đang tổ chức THA thì được Tòa án, Viện Kiểm sát yêu cầu hoãn, tạm đình chỉ để xem xét lại quyết định, bản án của Tòa án cấp dưới và sau đó xét xử lại trái ngược nhau, dẫn đến tình trạng hoài nghi của các đương sự đối với việc xét xử và THA, khiến họ không an tâm khi thực hiện quyền và nghĩa vụ THA”, ông Ngô Dũng phân tích.
“Lượng việc THA hằng năm phát sinh ngày càng nhiều, năm sau bao giờ cũng cao hơn năm trước; số lượng việc còn tồn đọng, chuyển qua năm sau nhiều và có xu hướng tiếp tục gia tăng. Trong khi đó, nhiều vụ việc đã tổ chức kê biên, định giá, bán đấu giá nhưng phải tổ chức lại nhiều lần do không có người mua tài sản. Song, cũng phải kể đến trình độ năng lực của cán bộ trực tiếp làm công tác tham mưu giải quyết KNTC ở cơ quan THADS còn hạn chế”.
Chi cục trưởng Chi cục THADS TP Quy Nhơn ĐỖ ĐỨC HÙNG
NGUYỄN VĂN TRANG