“Tốt nghiệp” là gì?
Học sinh lớp 12 trong cả nước vừa hoàn thành kỳ thi THPT, kỳ thi xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH, CĐ, TC. Đây được xem là kỳ thi quan trọng nhất của 12 năm đèn sách.“Tốt nghiệp” là từ quen thuộc gần như với tất cả người Việt. Bằng kinh nghiệm và cảm thức ngôn ngữ, hầu như ai cũng biết “tốt nghiệp” là “được công nhận đã đạt tiêu chuẩn kiểm tra kiến thức hoặc trình độ nghiệp vụ sau khi học xong một trường hoặc một bậc học, một cấp học” (Từ điển tiếng Việt, Hoàng Phê chủ biên, 1992, tr.998), như trong thi tốt nghiệp, tốt nghiệp đại học, khóa luận tốt nghiệp,…Tuy nhiên, vì sao từ “tốt nghiệp” mang ý nghĩa như trên thì không phải ai cũng rõ.
Ta thử cùng nhau tìm về từ nguyên để hiểu thêm về nghĩa của từ này!
“Tốt nghiệp” là một từ Việt gốc Hán. Trong đó, “tốt” (bộ thập), vốn đọc là “tuất”, có nghĩa là “trọn, xong, kết thúc”. Còn “nghiệp” là gì? Chữ “nghiệp” (bộ mộc), Thiều Chửu trong Hán Việt tự điển giảng như sau: “Ngày xưa cắt miếng gỗ [bộ mộc với nghĩa cây, gỗ biểu thị cho hàm nghĩa miếng gỗ này- P.T.V] ra từng khớp để ghi các việc hằng ngày, xong một việc bỏ một khớp, xong cả thì bỏ cả đi” [Nxb Thanh Niên, 2011, tr.366]. Như vậy, “nghiệp” là những miếng gỗ ghi các việc hằng ngày. “Tốt nghiệp” là đã xong hết các miếng gỗ ghi việc, tức đã xong việc, trọn việc. Đó là nghĩa gốc của từ.
Trong quá trình hành chức, từ “tốt nghiệp” bị thu hẹp phạm vi nghĩa. Nét nghĩa ban đầu “trọn việc, xong việc” được phản ánh trong từ “tuất sự” (sự nghĩa là chuyện, việc; như trong từ sự việc, trong thành ngữ quốc gia đại sự [việc lớn của nước nhà]). Nghĩa của từ “tốt nghiệp” hiện nay chỉ còn lại là “xong chương trình học”. Hán Việt tự điển cũng ghi nhận hiện tượng này như sau: “nay đi học ở trường gọi là tu nghiệp, học hết lớp gọi là tuất nghiệp đều là nói nghĩa ấy [tức nghĩa vừa dẫn ở trên] cả” [Sđd, tr.366].
Như vậy, “tốt nghiệp” (vốn đọc là tuất nghiệp) ban đầu nghĩa là “xong những miếng gỗ ghi việc hằng ngày”, rồi mang nghĩa hoán dụ là “xong/trọn/hoàn thành việc”. Sau đó, trong quá trình hành chức, bị thu hẹp phạm vi chỉ còn lại nét nghĩa “học hết lớp, hết chương trình, xong khóa học”.
Xong hôm nay, các bạn học sinh 12 sẽ hoàn thành chương trình học ở bậc phổ thông của mình (còn có “trọn” hay không sẽ phụ thuộc vào kết quả của kỳ thi). Cùng chúc cho các sĩ tử thi tốt để bậc học phổ thông được “trọn”.
ThS. PHẠM TUẤN VŨ