Cần cơ chế chống tẩu tán tài sản thi hành án
Tình trạng đương sự tẩu tán tài sản, “trốn” thi hành án đang diễn ra phổ biến, làm trì trệ quá trình thi hành nhiều vụ án. Tuy nhiên, với các quy định pháp luật hiện hành, vẫn chưa có biện pháp đấu tranh hiệu quả đối với hành vi này.
Theo Trưởng ban Pháp chế (HĐND tỉnh) Phạm Hồng Sơn, quá trình triển khai Luật Thi hành án dân sự (THADS), thực hiện nghĩa vụ trong các bản án thời gian qua trên địa bàn tỉnh nổi lên một số vụ việc tồn đọng kéo dài, không thi hành được. Quá trình giám sát, theo dõi cho thấy có tình trạng người bị THA tẩu tán tài sản nhằm trốn tránh nghĩa vụ THA.
Ông Phạm Hồng Sơn (đứng) phát biểu kết luận tại buổi giám sát ở TAND tỉnh.
● Ông có thể cho biết cụ thể về tẩu tán tài sản và nguyên nhân dẫn đến tình trạng này?
- Rất rõ ràng là nhiều bản án có hiệu lực thi hành nhưng người bị THA vẫn bán tài sản thông qua các hợp đồng chuyển nhượng tài sản. Từng có một cá nhân ở huyện Tây Sơn chỉ trong 1 ngày mà bán đến 4 căn nhà để trốn THA. Tại huyện Hoài Nhơn, cùng 1 chiếc tàu nhưng người chủ bán cho 2 người khác đều qua công chứng và có hợp đồng chuyển nhượng tài sản; từ đó làm vụ việc hết sức phức tạp, từ cuối năm 2014 đến nay vẫn chưa thi hành xong.
Tình trạng người bị THA cố tình tẩu tán tài sản không chỉ gây bức xúc cho người được THA mà còn thể hiện sự lỏng lẻo trong công tác quản lý Nhà nước. Nguyên nhân chính nằm ở sự phối hợp chưa tốt giữa các cơ quan quản lý trên từng lĩnh vực cụ thể, nhất là trong các vụ việc phức tạp.
● Sự phối hợp chưa tốt cũng dẫn đến hệ quả là nhiều vụ việc THA kéo dài gây bức xúc nhưng chưa xử lý được trách nhiệm. Thực tế này đặt ra yêu cầu như thế nào, thưa ông?
- Quan trọng nhất là phối hợp, tránh tình trạng mạnh ai nấy làm, cơ quan nào cũng nghĩ mình có vai trò quan trọng hơn. Cần xây dựng quy chế phối hợp giữa Sở TN&MT - cụ thể là các văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất - với các cơ quan Tư pháp cấp tỉnh, cấp huyện, xây dựng phần mềm liên ngành để phối hợp thực hiện tốt việc thực thi pháp luật trong công tác xét xử, THADS, quản lý đất đai, công chứng, chứng thực có liên quan. Từ đó, xác định thông tin kịp thời, chính xác trong việc sang tên, chuyển quyền sử dụng đất, tránh tình trạng tẩu tán tài sản trước, trong THADS đang diễn biến phức tạp trong thời gian qua. Đồng thời cũng có cơ sở để quy trách nhiệm và xử lý trách nhiệm khi có xảy ra sai sót.
● Sự tham gia của cơ quan chuyên môn về quản lý đất đai là rất cần thiết. Song, để lấp lỗ hổng trong công tác quản lý nhà nước, vẫn cần ngăn chặn tẩu tán tài sản từ khâu công chứng, chứng thực…
- Đúng vậy. Chúng tôi từng khảo sát công tác công chứng, chứng thực và bán đấu giá tài sản, qua đó kiến nghị Sở Tư pháp tham mưu UBND tỉnh xây dựng phần mềm quản lý tài sản thông qua các hợp đồng công chứng, chứng thực. Phần mềm được cập nhật hằng ngày, “chốt” hợp đồng công chứng mỗi ngày để quản lý, tránh tình trạng điền số, bổ sung, ghi lùi ngày.
Thực hiện nghiêm túc các giải pháp trên sẽ đảm bảo quyền lợi của nguyên đơn, không phải thiệt đơn, thiệt kép khi tốn án phí, lệ phí mà không được THA. Đồng thời, đảm bảo tình hình ANTT xã hội; góp phần đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa.
● Xin cảm ơn ông!
MAI LÂM (Thực hiện)