Quyết liệt tạo chuyển biến trong cải cách hành chính
“Càng về sau càng thụt lùi”, “rất đáng buồn”, “rất kém”… Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng nhiều lần bày tỏ thất vọng như vậy khi nói về sự tụt hạng chỉ số cải cách hành chính của tỉnh khi chủ trì Hội nghị trực tuyến đánh giá kết quả thực hiện công tác cải cách hành chính năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018 được tổ chức ngày 28.6.
Theo kết quả đánh giá, xếp hạng chỉ số cải cách hành chính (CCHC) do Bộ Nội vụ công bố hằng năm, Bình Định đều ở thứ hạng thấp, không ổn định. Đặc biệt, năm 2017 giảm 18 bậc so với năm 2016, xếp vị trí thứ 59/63 tỉnh, thành phố.
Nhận diện điểm nghẽn
Đáng chú ý, cải cách thủ tục hành chính (TTHC) và hiện đại hóa nền hành chính là 2 lĩnh vực quan trọng nhưng còn nhiều hạn chế, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, sự hài lòng của người dân và tổ chức.
Quang cảnh Hội nghị trực tuyến đánh giá kết quả thực hiện công tác cải cách hành chính năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018.
Cụ thể, chỉ số thành phần về cải cách TTHC và thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông chỉ đạt 9,7/14,5 điểm. Theo Giám đốc Sở Nội vụ Lâm Hải Giang, nguyên nhân chính là việc công bố cập nhật, đăng tải công khai TTHC còn chậm và chưa đầy đủ, nhất là việc cập nhật vào cơ sở dữ liệu quốc gia. “Nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương chưa bố trí được phòng làm việc cho Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả. Một số xã còn nhận hồ sơ TTHC tại bộ phận chuyên môn - nhất là lĩnh vực địa chính, LĐ-TB&XH. Đặc biệt, vẫn còn tình trạng cán bộ, công chức tự yêu cầu người dân bổ sung thành phần hồ sơ ngoài quy định”, ông Giang cho hay.
Trong khi đó, chỉ số thành phần về hiện đại hóa nền hành chính còn “thảm” hơn, chỉ đạt 5,99/16 điểm, đứng gần chót bảng. “Nhân lực được đào tạo, cơ sở hạ tầng được đầu tư, sao cứ mãi tụt hậu? Tôi theo dõi ở một cổng thông tin, tin mới nhất được cập nhật cách đây đã… 3 năm!”, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng chua chát nói.
Người dân làm thủ tục hành chính tại bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả, UBND huyện HoàI Ân
Bên cạnh đó, việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích đạt tỉ lệ thấp. Năm 2017, toàn tỉnh chỉ có 16/1.115 TTHC được thực hiện qua dịch vụ bưu chính công ích với 5.051 hồ sơ giao dịch. Chưa hết, việc triển khai và cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 cũng còn nhiều hạn chế. Trong năm 2017, số TTHC được cung cấp trực tuyến mức độ 3, 4 trên trang dịch vụ công của tỉnh có 235 TTHC, tuy nhiên tỉ lệ TTHC có phát sinh hồ sơ rất thấp - chỉ đạt 5,54% trên tổng số TTHC được cung cấp trực tuyến.
“Sở KH&ĐT tiếp nhận 20% lượng hồ sơ qua mạng, tỉ lệ hồ sơ trả qua mạng cũng chỉ 30%. Người dân không muốn nhận hồ sơ qua mạng vì vẫn còn tâm lý sợ thất lạc”, Giám đốc Sở KH&ĐT Nguyễn Thúc Đĩnh thông tin.
Xử lý trách nhiệm người đứng đầu nếu không chuyển biến
“Từng sở, từng ngành, từng địa phương phải xác định trách nhiệm để chung tay làm nên cuộc đột phá về chỉ số CCHC năm 2018. Sau hội nghị này, UBND tỉnh sẽ ban hành chỉ thị về cải thiện, nâng cao chỉ số CCHC của tỉnh”.
Chủ tịch UBND tỉnh HỒ QUỐC DŨNG
Thực trạng đó đòi hỏi phải có những giải pháp quyết liệt trên từng lĩnh vực của công tác CCHC. Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương rà soát các mặt còn yếu kém để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục. “Nếu không có chuyển biến thì phải xử lý trách nhiệm người đứng đầu. Không thể kéo dài tình trạng cùng chung điều kiện mà nơi này làm được, nơi khác lại không”, Chủ tịch Hồ Quốc Dũng nhấn mạnh và nêu đích danh các địa phương có nhiều mặt “rất kém” như Tây Sơn, Phù Cát, Vĩnh Thạnh, Vân Canh và Sở VH&TT.
Trong quá trình thực hiện, người đứng đầu chính quyền tỉnh đặt ra yêu cầu phân công công việc cụ thể, gắn với đánh giá trách nhiệm của mỗi người. Qua đó, kiên quyết xử lý nghiêm và thực hiện điều chuyển, bố trí công tác khác đối với những người vi phạm, gây khó khăn, phiền hà, sách nhiễu khi giải quyết TTHC.
Bên cạnh đó, cần chỉ đạo kiện toàn, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tại cơ quan, đơn vị, địa phương và tại các đơn vị trực thuộc. Triển khai 100% TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan, đơn vị, địa phương được thực hiện theo cơ chế một cửa; nâng cao tỉ lệ TTHC giải quyết theo cơ chế một cửa liên thông và tỉ lệ hồ sơ giải quyết trước thời hạn và đúng thời hạn.
Ở phương diện khác, Giám đốc Sở TT&TT Trần Kim Kha cho biết sẽ tăng cường công tác tuyên truyền để người dân và DN biết được việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến của các cơ quan Nhà nước; ngay trong năm 2018 sẽ triển khai qua hình thức tin nhắn quảng bá.
“Làm sổ đỏ như ma trận!”
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn Lê Anh Sơn, lĩnh vực đất đai - cụ thể là cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chiếm phần lớn trong số hồ sơ trễ hẹn.
Tình trạng tương tự cũng được ghi nhận tại Hoài Nhơn, Phù Mỹ.
“Ði đến đâu cũng nghe dân nói làm sổ đỏ như ma trận. Có nơi người dân không làm được, phải nhờ người này người nọ mới xong”, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng nói.
Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ Nguyễn Văn Dũng nêu một thực tế đáng lo: Chi nhánh Văn phòng Ðăng ký đất đai huyện này khi còn thuộc UBND huyện có 11 biên chế, nay thuộc Sở TN&MT quản lý đã tăng gấp đôi. Tuy nhiên, hồ sơ thủ tục liên quan đến đất đai vẫn chậm, dân vẫn kêu.
Về vấn đề này, Chủ tịch Hồ Quốc Dũng yêu cầu Sở TN&MT và các huyện phải có quy chế phối hợp: “Chủ tịch huyện phải có quyền kiểm tra hoạt động này trên địa bàn mình quản lý”.
NGUYỄN VĂN TRANG