Ông Phạm Mai - Giám đốc BHXH tỉnh: “Sẽ thực hiện thắng lợi mục tiêu BHYT toàn dân”
Việc thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân tại Bình Ðịnh thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Nhân ngày BHYT Việt Nam (1.7), PV Báo Bình Ðịnh có cuộc trao đổi với ông Phạm Mai - Giám đốc BHXH tỉnh - về những giải pháp trong các năm tiếp theo.
* Xin ông cho biết tình hình thực hiện mục tiêu toàn dân tham gia BHYT trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh?
- Trong những năm qua, việc thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân luôn được tỉnh quan tâm. Kết quả trong 5 năm gần đây, Bình Định luôn thực hiện hoàn thành chỉ tiêu bao phủ BHYT theo lộ trình BHYT toàn dân mà Thủ tướng Chính phủ đã đề ra, cụ thể: Năm 2014: đạt 67,9% (chỉ tiêu HĐND tỉnh giao 68%); năm 2015: đạt 75,4% (chỉ tiêu 70%); năm 2016: 85% (75,8%); năm 2017: 87,7% (84%). 6 tháng đầu năm 2018, toàn tỉnh có 1.737.253 người tham gia BHYT, tỉ lệ 88,2% dân số (chỉ tiêu HĐND tỉnh giao là 88,5%); dự kiến đến cuối năm 2018 sẽ thực hiện hoàn thành tỉ lệ bao phủ BHYT mà HĐND tỉnh giao.
* Mục tiêu của chúng ta là đạt độ bao phủ BHYT trên 90% dân số trong tỉnh vào năm 2020. Sau những nỗ lực mở rộng đối tượng tham gia, ngành BHXH tỉnh có cơ sở đảm bảo mục tiêu trên sẽ được hoàn thành không, thưa ông?
- Theo Quyết định 1167/QĐ-TTg ngày 28.6.2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh giao chỉ tiêu thực hiện BHYT giai đoạn 2016 - 2020, đến năm 2020 Bình Định phải thực hiện đạt tỉ lệ bao phủ BHYT 90% dân số. Như vậy, từ nay cho đến thời điểm đó, chúng ta phải phát triển thêm tối thiểu là 1,8% dân số của tỉnh tham gia BHYT (tương ứng khoảng 28.000 người).
Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo thuận lợi nhất cho người dân khi tham gia BHYT là một trong những giải pháp làm tăng số người tham gia BHYT.
- Trong ảnh: Bệnh nhân đăng ký khám chữa bệnh tại Phòng khám Đa khoa khu vực Phước Hòa.
Qua rà soát kết quả phát triển đối tượng tham gia BHYT thời gian qua cho thấy, một số đối tượng chưa tham gia BHYT đầy đủ 100% theo quy định, nên đây chính là tiềm năng để khai thác, phát triển, cụ thể như: Nhóm người lao động cùng tham gia BHXH, BHYT bắt buộc (còn 22% chưa tham gia); học sinh, sinh viên (còn 6% chưa tham gia); hộ cận nghèo (còn 36% chưa tham gia) và hộ gia đình (còn 26% chưa tham gia).
Do đó, nếu tập trung khai thác phát triển tốt số người tham gia BHYT của 4 nhóm đối tượng trên, chúng ta sẽ đảm bảo hoàn thành mục tiêu bao phủ BHYT 90% vào năm 2020.
* Nhóm người lao động trong các DN là một trong những nhóm đối tượng ít tham gia BHYT, vậy chúng ta đã có những giải pháp gì để nâng tỉ lệ này lên?
- Như đã nói ở trên, tỉ lệ người lao động tham gia BHYT bắt buộc (đồng thời tham gia BHXH) hiện chỉ đạt 78%, trong đó người lao động thuộc các DN tham gia BHYT chỉ đạt khoảng 67%, nghĩa là còn 33% chưa tham gia. Đây là khu vực tiềm năng có thể khai thác nhằm thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân trên địa bàn tỉnh.
Để khai thác, phát triển đối tượng này tham gia BHYT, ngành BHXH đã tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp như: đẩy mạnh công tác truyền thông, đối thoại chính sách BHYT với người lao động và người sử dụng lao động trong các DN. Tăng cường công tác thanh tra chuyên ngành, phối hợp kiểm tra liên ngành về thực hiện chính sách BHYT tại các DN. Báo cáo UBND tỉnh danh sách những DN trốn đóng, nợ đọng BHYT kéo dài để chỉ đạo xử lý; công khai danh sách những đơn vị trốn đóng, nợ đọng trên các phương tiện thông tin, nhằm nâng cao trách nhiệm thực hiện chế độ BHYT cho người lao động trong DN. Phối hợp với các cơ quan chức năng khởi kiện các DN vi phạm chính sách BHYT kéo dài.
Bên cạnh đó, ngành BHXH tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản thủ tục hành chính về tham gia BHYT, tăng cường thực hiện giao dịch điện tử, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục, tạo thuận lợi nhất cho DN khi tham gia BHYT. Tổ chức giải quyết quyền lợi về khám chữa bệnh BHYT cho người lao động đầy đủ, kịp thời, tạo lòng tin cho các DN đối với chính sách BHYT…
* Công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHYT cần được cải thiện thế nào trong thời gian tới để đạt hiệu quả cao hơn, thưa ông ?
- Hiện nay, công tác tuyên truyền BHYT dần dần được chuyển sang công tác truyền thông BHYT; việc thực hiện tuyên truyền luôn gắn kết với lắng nghe, nắm bắt, tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân, để có biện pháp xử lý kịp thời hướng tới sự hài lòng của người tham gia BHYT.
Các hình thức truyền thông được đổi mới phù hợp với từng nhóm đối tượng tuyên truyền, trong đó tập trung nhiều cho hình thức đối thoại trực tiếp chính sách BHYT với người lao động và người dân; tăng cường phối hợp với các sở, ngành, đoàn thể tổ chức các hội nghị truyền thông và các hội thi tìm hiểu chính sách BHYT; xây dựng và đa dạng hệ thống đại lý thu tại cơ sở để tuyên truyền, vận động người dân tham gia; tổ chức thông tin, tuyên truyền kịp thời những quy định mới về BHYT trên các phương tiện thông tin đại chúng… Tất cả nhằm góp phần nâng cao nhận thức, tạo dựng lòng tin, tác động đến quyết định tự giác tham gia BHYT của người dân. Đó chính là nhân tố quan trọng nâng cao hiệu quả công tác truyền thông xã hội về BHYT, phát triển đối tượng tham gia BHYT, tiến tới thực hiện thắng lợi mục tiêu BHYT toàn dân trên địa bàn tỉnh.
* Xin cảm ơn ông!
LÊ CƯỜNG (thực hiện)