Ðừng chủ quan với sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi - rút Dengue gây ra. Bệnh lây do muỗi vằn hút máu truyền vi - rút từ người bệnh sang người lành. Tính từ đầu năm 2018 đến ngày 15.6, toàn tỉnh ghi nhận 687 ca bệnh sốt xuất huyết, không có ca tử vong. Trong 6 tháng cuối năm 2018, thời tiết được dự báo là sẽ có nhiều thất thường, đây là điều kiện để véc tơ truyền bệnh sốt xuất huyết Dengue phát triển, nguy cơ bùng phát dịch rất cao.
Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Oanh - Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, BVĐK tỉnh, cho biết: “Đặc điểm của bệnh sốt xuất huyết là sốt cao 40 - 410C, đột ngột, liên tục trong 4 - 5 ngày, ngay cả khi dùng thuốc hạ sốt cũng không đưa nhiệt độ cơ thể trở về bình thường. Thường thì bệnh nhân có thể hồi phục sau 7 - 10 ngày nhưng sức khỏe bị ảnh hưởng nặng. Thông thường, khi sốt cao 39 - 400C sang ngày thứ 2 - 3 không rõ nguyên nhân, mệt mỏi, li bì, đau nhức cơ thể, nhức mắt, nếu có những dấu hiệu lâm sàng thì nên đưa người bệnh đi khám ở cơ sở y tế ngay. Hiện nay, test sốt xuất huyết đã được phổ cập đến tận tuyến huyện. Test này giúp chẩn đoán sớm sốt xuất huyết nên người bệnh cần được đi khám sớm để có chẩn đoán và được bác sĩ hướng dẫn cụ thể”.
Ngoài ra, những yếu tố cơ địa có thể làm cho bệnh diễn biến nặng như phụ nữ mang thai, những người có sẵn các bệnh phổi mãn tính, tăng huyết áp, đái tháo đường, tim mạch, trẻ em bị béo phì, suy dinh dưỡng hay dị tật bẩm sinh… khi bị sốt xuất huyết cần sớm đi khám hoặc nhập viện để theo dõi và điều trị.
Trong mùa dịch, số lượng bệnh nhân nằm viện rất đông sẽ gây nên tình trạng quá tải, không đảm bảo vệ sinh, khiến người bệnh và ngay cả những người đi nuôi bệnh cũng có thể sẽ bị mắc bệnh do lây nhiễm chéo. Vì vậy, không phải tất cả bệnh nhân bị sốt xuất huyết đều phải nhập viện. Hiện nay, sốt xuất huyết vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu mà chỉ điều trị triệu chứng. Khi sốt cao, chỉ dùng paracetamol, tổng liều không quá 60mg/kg cân nặng/ngày với người lớn. Tuyệt đối không dùng aspirin, analgin, ibuprofen vì có thể gây xuất huyết, toan máu. Uống nhiều nước Oresol, nước hoa quả, nước lọc, lau mát, nghỉ ngơi và theo dõi khi có các dấu hiệu trên (sốt cao nhiều ngày không rõ nguyên nhân, mệt mỏi, li bì, đau nhức cơ thể, nhức mắt) thì cần phải đưa ngay đến cơ sở y tế. Người bệnh tuyệt đối không tự ý truyền dịch khi bị sốt. Nếu cần thiết phải truyền, bác sĩ sẽ có chỉ định với sự theo dõi sát sao của điều dưỡng về tốc độ truyền để tránh nguy cơ gây sốc.
MINH PHƯỢNG