Giếng làng
Trở về thăm quê lần này, tôi ở lại lâu hơn. Tôi có dịp đi khắp làng trên xóm dưới thăm bà con họ hàng, gặp lại anh em bạn bè thuở nhỏ. Làng quê tôi thay đổi nhiều quá, con đường nhỏ dẫn ra cánh đồng giờ đã được đúc bê tông sạch sẽ, hai bên đường không còn là cỏ dại như xưa kia mà là những khóm hoa mười giờ đủ màu đang khoe sắc trong nắng mới. Cứ mải mê ngắm nhìn quang cảnh đổi mới của quê hương, tôi chợt đứng sững lại, bồi hồi khi gặp lại giếng làng.
Giếng làng tôi to rộng và đặc biệt lắm, không nằm giữa làng như bao giếng làng khác mà nằm ở gần giữa cánh đồng. Có một con đường đất nhỏ nối vào trong làng. Giếng rộng khoảng mười mét đường kính, bao quanh là ruộng. Giếng nước rất trong, mùa nào cũng đầy nước. Người ta gánh nước ở giếng lên tưới cho các ruộng hoa màu. Vụ đông, trời làm khô hạn, các con mương phơi lòng trong gió rét, hầu như trong làng bể dự trữ nước mưa nhà nào cũng cạn hết cả. Nhưng người ta vẫn có thể ra giếng gánh nước về dùng. Từ nấu nướng đến tắm giặt. Giếng làng tôi chưa bao giờ cạn nước, cứ như được nối với một mạch ngầm nào đó bao la. Mỗi ngày cũng hàng trăm gánh nước cho cả người trong làng và cả hoa màu của người nữa, chẳng hề gì. Giếng vẫn đầy, vẫn long lanh đáy nước ánh trăng rằm. Giếng rộng, có đến mấy lối lên xuống gánh nước. Những chỗ không có người lên xuống, cỏ mọc um tùm. Những cây gáo bên bờ giếng đã mọc tốt cả lên. Qua mặt nước, có thể nhìn thấy từng chùm rễ gáo đâm chìa ra ngoài bờ đất. Dưới gốc cây này là ngôi nhà lý tưởng của lũ cá trê, cá rô ta. Chúng làm ổ ở đó. Có người giỏi bắt, giỏi đặt lờ có thể bắt được hàng ki-lô-gam cá ở một gốc gáo. Nhưng cũng ít ai bắt lắm. Người ta không muốn làm khuấy động bùn nước. Chính vì thế lũ cá ở đây thường rất to và bạo dạn. Nhiều khi thấy bóng người mà chúng vẫn bơi lại lượn lờ bên gốc gáo.
Tôi giật mình nhận ra, cây đa thời thơ ấu của tôi trẻ ngày ấy giờ đã là cây cổ thụ vạm vỡ, cành lá xum xuê vươn thật rộng ôm trọn lấy bờ giếng. Ngày ấy, bọn trẻ con chúng tôi có thể trèo lên cành đa, nghịch ngợm ngồi vắt vẻo trên đó mà hóng gió ngoài cánh đồng thổi lên và soi mình xuống giếng. Giờ đây, thân cây đã to bằng mấy người ôm, có lẽ chẳng còn ai có thể trèo lên được nữa. Giếng nước vẫn trong, vẫn đầy như ngày ấy. Bờ giếng đã được dân làng sửa sang, xây bê tông sạch sẽ. Mẹ nói mỗi khi có dịp lễ cúng ở miếu mới dùng đến nước trong giếng mà thôi. Hệ thống kênh mương tưới tiêu dẫn nước vào tận ruộng giúp người dân không còn phải gánh nước tưới cho hoa màu như trước, giếng nước vì thế được lui về vị trí đặc biệt, như mảnh hồn văn hóa bình dị của làng tôi.
Bờ giếng giờ thành nơi ngồi nghỉ mệt sau mỗi buổi làm đồng của người làng tôi. Bao câu chuyện về nhà cửa, ruộng vườn, về mùa màng, cây trái cứ râm ran không ngớt. Tình làng nghĩa xóm ngày càng trở nên thắm đượm, thân tình hơn qua những buổi trò chuyện ấy.
TRƯƠNG THỊ THÚY