Ðề án dạy và học ngoại ngữ giai đoạn 2018 - 2025 trên địa bàn tỉnh: Mục tiêu đã có, nhập cuộc thế nào?
*INFORGRAPHIC: Hơn 155 tỉ đồng để nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ giai đoạn 2018-2025
Ngày 22.6, UBND tỉnh đã phê duyệt Kế hoạch thực hiện Ðề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2018 - 2025 trên địa bàn tỉnh, với tổng kinh phí 155,264 tỉ đồng. Để có thể “về đích” đúng dự kiến, với hàng loạt mục tiêu cụ thể, ngành GD&ÐT tỉnh ta đang đứng trước không ít vấn đề cần tháo gỡ.
Chưa được trang bị bảng tương tác nên một số trường ngại triển khai dạy và học ngoại ngữ theo chương trình mới. Tuy nhiên, đây không phải là nguyên nhân đúng bởi thực tế, bảng tương tác chỉ là thiết bị hỗ trợ, giáo viên mới đóng vai trò quan trọng trong triển khai tổ chức lớp học.
Vẫn còn nhiều rào cản
Dù được triển khai ở nhiều trường trong tỉnh nhưng trên thực tế, việc dạy học chương trình ngoại ngữ 10 năm chỉ được các trường chọn triển khai ở 1-2 lớp/khối lớp. Theo báo cáo kết quả thực hiện Đề án giai đoạn 2012 - 2017, một trong những rào cản lớn nhất là cán bộ quản lý còn e ngại, lo học sinh học không nổi, nhất là học sinh ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy các hiệu trưởng lo là hoàn toàn có cơ sở.
Trường THPT số 1 Phù Mỹ là một trong 14 trường trong toàn tỉnh tham gia Đề án Ngoại ngữ 2020 ngay từ năm học 2013 - 2014. Theo ông Phạm Mạnh Cường, Phó Hiệu trưởng Trường THPT số 1 Phù Mỹ, thời gian đầu, trường gặp nhiều khó khăn: Điều kiện cơ sở vật chất còn hạn chế, học sinh chưa học chương trình thí điểm ở cấp THCS, còn giáo viên thì băn khoăn về hiệu quả cũng như cách thức kiểm tra, đánh giá theo các quy định mới…
Một rào cản khác cũng không hề nhỏ là trình độ của giáo viên, năng lực của học sinh. Sách giáo khoa của chương trình 10 năm được đánh giá là rất khó với lượng bài tập, từ vựng nhiều hơn. Giáo viên phải dạy song song hai chương trình (7 năm và 10 năm) nên còn rất ít thời gian để tự bồi dưỡng và đầu tư cho bài dạy thật hiệu quả. Về phía học sinh, vì không được học liền mạch từ cấp dưới nên lên đến lớp đầu cấp THCS hay THPT, mặc dù được tuyển chọn vào các lớp của chương trình 10 năm nhưng vẫn có em không đáp ứng được yêu cầu. Thêm vào đó, việc khai thác, sử dụng trang thiết bị phục vụ việc dạy và học ngoại ngữ chưa dễ dàng và đạt hiệu quả…
Cần sự nhập cuộc tích cực
So với giai đoạn 2012 - 2017, Đề án dạy và học ngoại ngữ giai đoạn 2018 - 2025 sẽ mở rộng đối tượng áp dụng là trẻ mẫu giáo làm quen với ngoại ngữ và triển khai dạy cho toàn bộ số học sinh phổ thông chứ không chỉ một vài lớp như giai đoạn trước.
Ông Đào Đức Tuấn, Giám đốc Sở GD&ĐT, cho biết: Việc học sinh được học chương trình mới liên tục từ lớp 3 trở lên sẽ giúp các em theo kịp chương trình. Với những em yếu, giáo viên phải tổ chức dạy phụ đạo, bồi dưỡng. Thời gian tới, Sở sẽ yêu cầu các trường triển khai dạy đại trà chương trình mới cho học sinh; đồng thời, tăng cường bồi dưỡng giáo viên để trang bị cho họ thêm kinh nghiệm, phương pháp dạy tốt chương trình này”.
Liên quan đến việc đa số giáo viên than phiền nội dung sách giáo khoa quá dài và quá tầm với trình độ học sinh, ông Trần Văn Cơ - Trưởng Phòng Giáo dục trung học (Sở GD&ĐT) nêu giải pháp: “Các thầy cô có thể dạy những nét chính của nội dung bài học. Nếu nhận thấy trong bài có nội dung nào khó thì có thể thay thế bằng một nội dung khác phù hợp với đặc điểm, điều kiện của tỉnh. Hãy hướng dẫn học sinh tải sách mềm (sách điện tử - ebook) từ trên mạng xuống về để tự học và làm thêm bài tập trong đó”.
Về giải pháp dạy và học lượng từ mới có nhiều trong chương trình 10 năm, ông Cơ cho rằng, các giáo viên có thể linh hoạt dạy những từ chính - đó là những từ cần thiết giúp các em hiểu tình huống bài học, còn những từ khác sau này các em có thể gặp lại và sẽ học ở những tiết sau.
Giám đốc Sở GD&ĐT Đào Đức Tuấn khẳng định, các mục tiêu đặt ra trong Đề án dạy và học ngoại ngữ giai đoạn 2018 - 2025 trên địa bàn tỉnh không quá cao, trong điều kiện cơ sở vật chất cùng trang thiết bị phục vụ việc dạy học của đa số các trường khá đầy đủ, Sở GD&ĐT động viên các trường tích cực triển khai chương trình mới vì quyền lợi của học sinh. Sự tích cực của cán bộ quản lý và giáo viên là rất quan trọng vì ngoại ngữ là một môn học thuộc về năng khiếu, nên có người học nhanh, học tốt, cũng có người đòi hỏi sự siêng năng. Về phía học sinh, vẫn còn nhiều em ngại học môn này, rồi không ít phụ huynh có quan điểm cứ vào đại học rồi hãy học tiếng Anh. Tuy nhiên, e lúc đó đã muộn vì học ngoại ngữ như vậy thì không thể đạt hiệu quả như mong muốn.
Ðề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân nhằm đổi mới toàn diện việc dạy và học môn học này, để đạt một bước về trình độ, năng lực sử dụng ngoại ngữ của nguồn nhân lực. Theo Ðề án, các trường sẽ triển khai thực hiện chương trình tiếng Anh 10 năm (so với 7 năm trước đây), bắt đầu dạy cho học sinh từ lớp 3, giúp phát triển toàn diện các kỹ năng cần thiết như nghe, nói, đọc, viết. Sở GD&ÐT đã triển khai dạy thí điểm chương trình tiếng Anh 10 năm từ năm học 2013 - 2014. Ðến năm học 2017 - 2018, đã có 224/247 trường tiểu học, 143/149 trường THCS và 49/54 trường THPT triển khai thực hiện chương trình này.
NGỌC TÚ