Chú trọng bồi dưỡng cán bộ Ðoàn cơ sở
Ðể công tác Ðoàn và phong trào thanh, thiếu nhi trong tỉnh thật sự vững mạnh, hiệu quả, tránh sa vào hình thức, bên cạnh các phương pháp tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng... thì công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn cán bộ Ðoàn ở cơ sở đóng vai trò rất quan trọng.
Việc bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ Đoàn ở cơ sở cần tiếp tục được quan tâm trong thời gian tới.
- Trong ảnh: Đoàn Khối các cơ quan tỉnh tổ chức tập huấn công tác Đoàn cho cán bộ Đoàn cơ sở.
Bồi dưỡng cán bộ Đoàn
Theo thống kê của Tỉnh đoàn, toàn tỉnh có 556 bí thư, phó bí thư Đoàn cơ sở; 3.278 bí thư chi đoàn. Thời gian qua, đội ngũ cán bộ Đoàn đã từng bước được chuẩn hóa, chú trọng các tiêu chuẩn về phẩm chất chính trị, trình độ, độ tuổi, năng khiếu và kỹ năng công tác thanh niên. Phong cách làm việc và phương pháp công tác của cán bộ Đoàn cơ sở đã có sự đổi mới theo hướng “nói đi đôi với làm”, “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm”, gần gũi và tôn trọng ĐVTN. Qua đó, vai trò thủ lĩnh của đội ngũ này được khẳng định, nhận được sự tín nhiệm của đoàn viên, nâng cao hiệu quả công tác tập hợp, tổ chức thanh niên trong tham gia thực hiện các nhiệm vụ phát triển KT-XH.
Có mặt tại lớp tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ Đoàn, Hội, Đội các cấp trong tỉnh, do Tỉnh đoàn tổ chức từ ngày 2 - 6.7 mới thấy được sự hào hứng của trên 420 thủ lĩnh thanh niên. Tham gia lớp tập huấn, các học viên được bồi dưỡng kiến thức về công tác Đoàn vụ, xây dựng tổ chức Đoàn; hướng dẫn việc xây dựng, phát triển và quản lý các CLB đội, nhóm; các kỹ năng làm việc nhóm, tổ chức hoạt động tập thể; phương pháp tổ chức hội thi, diễn đàn… Anh Phan Công Bình, Bí thư Đoàn xã Hoài Thanh (Hoài Nhơn), chia sẻ: “Những kiến thức có được từ lớp bồi dưỡng này rất thực tế, hy vọng sẽ giúp chúng tôi áp dụng hiệu quả trong công tác tập hợp đoàn kết thanh niên tại địa phương, vốn gặp khó lâu nay”.
Trong số 280 Đoàn cơ sở, vẫn có những bí thư, phó bí thư chưa qua đào tạo chuyên môn (dưới trung cấp). Chị Huỳnh Thị Anh Thảo, Phó Bí thư Tỉnh đoàn, nhìn nhận: “Trong điều kiện đội ngũ cán bộ đoàn chuyên trách cấp xã trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng công tác thì việc tổ chức các hoạt động bồi dưỡng, nâng cao trình độ là hết sức cần thiết. Bởi trình độ và nhiệt huyết của đội ngũ cán bộ Ðoàn thường tỉ lệ thuận với chất lượng hoạt động của phong trào thanh niên. Vì thế, việc xây dựng đội ngũ cán bộ đủ về số lượng, đảm bảo về trình độ, năng lực là nhiệm vụ hết sức quan trọng”.
Nâng chất hoạt động
Mặc dù các cấp bộ Ðoàn đã có những nỗ lực nhất định, nhưng thực tế cho thấy, ở nhiều địa phương, việc nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức đoàn cơ sở vẫn là bài toán khó. Trong đó, một số vấn đề có ảnh hưởng tới chất lượng hoạt động của Đoàn cơ sở, như: lực lượng ĐVTN mỏng, nội dung, hình thức sinh hoạt chi đoàn thiếu sáng tạo; thậm chí, nhiều tổ chức cơ sở Đoàn còn nhầm lẫn giữa “họp” và “sinh hoạt”, khiến các buổi sinh hoạt chi đoàn trở nên khô khan, khiến ĐVTN thờ ơ, bỏ sinh hoạt.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của cán bộ Đoàn cơ sở, trong nhiều năm gần đây, công tác bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ, quy hoạch, đào tạo đội ngũ này đã được Tỉnh đoàn đặc biệt quan tâm. Thực hiện Đề án tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Đoàn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình hiện nay, do Tỉnh đoàn triển khai trong nhiệm kỳ 2012 - 2017, riêng từ năm 2017 đến nay, hơn 3.000 bí thư chi đoàn toàn tỉnh được bồi dưỡng về nghiệp vụ, kỹ năng công tác Đoàn, Hội. Đồng thời, Tỉnh đoàn đang hoàn thiện Kế hoạch Cử cán bộ đoàn cấp tỉnh đi đào tạo thực tế tại cơ sở giai đoạn 2018 - 2022.
Song song với đào tạo cán bộ Đoàn cơ sở đương nhiệm, Tỉnh đoàn cũng luôn chú trọng phát hiện và bồi dưỡng ĐVTN qua các hoạt động tình nguyện, để tham mưu, giới thiệu đội ngũ cấp ủy các cấp xem xét, quy hoạch cán bộ nguồn về công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi. Ngoài ra, Tỉnh đoàn phân công cán bộ phụ trách địa bàn và thường xuyên xuống cơ sở để nắm bắt tình hình, kịp thời chỉ đạo, định hướng hoạt động đoàn ở cơ sở.
Tại buổi làm việc mới đây với Ban Thường vụ Tỉnh đoàn về một số giải pháp nâng cao chất lượng đoàn viên và hoạt động của chi đoàn trên địa bàn dân cư, giai đoạn 2014 - 2017, anh Nguyễn Hồng Hải, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương Đoàn, nhìn nhận: “Bình Định có 1.124 chi đoàn địa bàn dân cư, năm 2017 vẫn có 603 đoàn viên bị xóa tên. Vì vậy, Tỉnh đoàn cần xác định công tác kết nạp đoàn viên là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên nhằm bổ sung đội ngũ kế thừa và đảm bảo tính phát triển bền vững, lâu dài của Đoàn. Việc kết nạp đoàn viên mới phải tiến hành chặt chẽ, đúng Điều lệ, tránh tình trạng chạy đua số lượng. Bởi chất lượng đoàn viên chính là thước đo quyết định chất lượng tổ chức và phong trào hoạt động của chi đoàn, là sức mạnh của tổ chức Đoàn ở cơ sở”.
HỒNG PHÚC