Đợt khai quật, khảo cổ ở phế tích tháp Chà Rây: Giúp định hướng hướng nghiên cứu tiếp theo
Từ ngày 10.4 đến ngày 10.5, Viện Nghiên cứu kinh thành và Bảo tàng Tổng hợp tỉnh (Sở VH & TT) tiến hành khảo cổ, khai quật tại phế tích tháp Chà Rây (xã Nhơn Lộc, TX An Nhơn). Ðợt khai quật, khảo cổ đã giúp các nhà khoa học phát lộ được mặt bằng di tích tháp được xem là chuẩn nhất.
Trên địa bàn 2 huyện Tuy Phước và TX An Nhơn, đến nay đã phát hiện được 14 di tích tháp Champa. Tại An Nhơn, ngoài phế tích tháp Mẫm (Nhơn Thành, TX An Nhơn) được khai quật 3 lần (lần 1: năm 1934, lần 2: 1936, lần 3: 2011), chưa có tháp nào ở TX An Nhơn được khai quật. Ngoài các di tích tháp Champa còn trên mặt đất như tháp Cánh Tiên, tháp Phú Lốc… các phế tích tháp Champa ở TX An Nhơn còn là điều bí ẩn.
Gạch, ngói là những hiện vật chủ yếu được phát hiện tại phế tích tháp Chà Rây.
Với mục đích tìm hiểu, nghiên cứu về bình đồ tháp, cấu trúc nền móng, kỹ thuật xây dựng, niên đại và những hiện vật liên quan của tháp Chà Rây, từ đó xác định vị trí, vai trò của di tích tháp Chà Rây trong hệ thống tháp Champa ở Bình Định, các nhà khoa học đã tiến hành mở 3 hố thám sát trên thềm cao nhất. PGS - TS. Lại Văn Tới, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh thành (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), người chủ trì cuộc khai quật, cho biết: “Qua khai quật, khảo cổ, chúng tôi đã phát hiện được 3 dấu tích kiến trúc: dấu tích kiến trúc tháp chính (kalan) với quy mô lớn, bộc lộ kỹ thuật xây dựng khá tiêu chuẩn, phát hiện được các bức tường xung quanh ở trên đỉnh đồi cao nhất; ngoài ra còn tìm thấy các nền gạch, con đường”.
Bên cạnh những phát hiện về kiến trúc, tại phế tích tháp Chà Rây, các nhà khoa học còn tìm thấy nhiều hiện vật như: gạch (8.041 viên), ngói dương (ngói ống - 22 hiện vật), ngói âm (802 hiện vật), ngói phẳng (1.642 hiện vật), trang trí kiến trúc bằng đất nung (4 hiện vật), mảnh bàn nghiền đá (1 hiện vật). PGS - TS. Lại Văn Tới cho biết thêm: Tại từng vị trí khác nhau của công trình kiến trúc người Chăm đã gọt, đẽo vật liệu xây dựng… để đạt mức độ phù hợp. Ví dụ, các viên gạch hình chữ nhật với mức độ dày, mỏng, to, nhỏ khác nhau, nhiều hình dáng. Chứng tỏ các tháp này không phải chỉ xây vuông, chặt chẽ mà ở góc, cạnh… người ta còn trang trí. Có những viên gạch còn rõ dấu vết kỹ thuật, tạo vết nhám để các viên gạch dễ bám vào nhau.
Tuy chưa phát hiện được tháp phụ, tháp cổng, hệ thống tường bao quanh di tích cũng như chưa phát hiện được các hiện vật tượng (tượng thờ, động vật), các trang trí kiến trúc, đồ thờ và đồ dùng liên quan đến sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng, nhưng cuộc khai quật đã giúp các nhà khoa học có thêm nhiều cứ liệu quan trọng để định hướng hướng nghiên cứu tiếp theo. “So với những phế tích đã được khai quật, tại Chà Rây chúng ta đã tìm được mặt bằng kiến trúc chuẩn nhất”- PGS - TS Lại Văn Tới nhận định.
Qua nghiên cứu, trao đổi và căn cứ vào môi trường, không gian kiến trúc của tháp Champa phong cách Bình Bịnh và những di vật thu được, các nhà khảo cổ nhận định phế tích tháp Chà Rây thuộc truyền thống phong cách Bình Định, có niên đại thế kỷ XII-XIII, tương đương niên đại tháp Cánh Tiên, Bánh Ít, Tháp Đôi, Dương Long, Thủ Thiên, Phú Lốc.
PGS. TS Bùi Minh Trí, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh thành cho hay: “Các phát hiện ở Chà Rây lại một lần nữa cho thấy rằng, ở Bình Định không chỉ có tháp còn tồn tại trên mặt đất mà còn nhiều tháp đang ẩn mình dưới lòng đất mà ta chưa đánh thức nó dậy. Vì vậy các kết quả điều tra khai quật như Chà Rây càng góp phần cho chúng ta nhận rõ hơn diện mạo, quy mô, mật độ phân phối các loại tháp, đền tháp Champa ở Bình Định”.
THẢO KHUY
Khi khai quật một di tích nào, mục đích và kết quả phải đặt lên hàng đầu. Cuộc khai quật này không có một mục đích đặt ra, khai quật làm gì, và khai quật để giải quyết vấn đề gì của lịch sử . Khai quật tháp Chà Rây không thu được đủ căn cứ để xếp vào niên đại 12-13. ĐNgười ta căn cứ vào hiện vật để so sánh với các hiện vật khác để xếp. Tôi cho rằng việc phối hợp trong nghiên cứu là cần thiết, như phải phối hợp với các chuyên gia chuyên nghiên cứu về Champa , chứ không thể phối hợp với các cơ quan không chuyên gia về lĩnh vực này .